banner
Thứ 6, ngày 3 tháng 5 năm 2024
Cảm nhận về mùa xuân trong thơ ca
14-2-2024

            

             Mùa xuân mang khí dương thịnh, vạn vật tràn trề sức sống, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, chim ca ríu rít hót lên những tiếng thơ của thiên nhiên. Lòng người xốn xang, đồng điệu cùng biết bao tiếng thơ, tiếng lòng, tiếng đời vang vọng sắc xuân – sức xuân – tình xuân trong những trang thơ của biết bao thi nhân Việt Nam, từ trung đại đến hiện đại.

            Từ thế kỉ XI, nhành mai của thiền sư Mãn Giác đã trở thành “sứ giả” của mùa xuân trong thơ Thiền trung đại Việt Nam. Nhành mai ấy đã trở thành biểu tượng của cái đẹp trường tồn, của mùa xuân vĩnh hằng trong lòng người, vượt thoát khỏi sự tàn lụi của mùa xuân khách quan.

                                                Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

                                                Đêm qua, sân trước một nhành mai

                                                                        (Mãn Giác – “Cáo tật thị chúng”)

            Cứ thế, dẫu vạn vật đi qua bao mùa thay hoa đổi lá thì trái tim con người vẫn khao khát mùa xuân, vẫn hướng về mùa xuân, như tâm hồn thi nhân khát khao sức sống của cái đẹp, của thanh xuân đất trời. Dẫu là Đạo hay Đời thì mùa xuân vẫn luôn tha thiết trong lòng người.

            Mùa xuân không chỉ khơi nguồn khát vọng thanh xuân mà còn trở thành đối tượng tâm tình của thi nhân. Tâm tình về niềm say mê, về cả những khát vọng dang dở của một thời thanh xuân.

            Nguyễn Trãi ở thế kỉ XV đã có những vần thơ tha thiết, tự tình cùng mùa xuân:

                                                Trong tiếng quốc kêu xuân đã muộn

                                                Đầy xuân mưa bụi nở hoa xoan

                                                                        (Nguyễn Trãi – “Cuối xuân tức sự”)

            Trong tâm thế ở ẩn, thưởng lãm cảnh xuân mà vẫn đau đáu nỗi lòng thế sự, tâm tình Nguyễn Trãi hoà điệu cùng tiếng chim quốc khắc khoải cho mùa xuân muộn màng. Nhiệt huyết thanh xuân của một thời Lam Sơn dấy nghĩa nay còn vẹn nguyên? Dẫu thấm tháp bao mùa mưa bụi, hoa xoan vẫn nở, kiên trung và son sắc một sức xuân trong lòng. Đó là nhiệt huyết, nhiệt tâm với dân với nước luôn tha thiết trong lòng Ức Trai.

            Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỉ XVI lại tận hưởng một mùa xuân an nhiên trong nhịp điệu bốn mùa. Đó là tâm thế sống nhàn của ẩn sĩ thấu suốt thế sự, lấy đạo để thanh lọc những âu lo sự đời trong lòng mình:

                                                Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

                                                                        (Nguyễn Bỉnh Khiêm – “Nhàn”)

            Đó là mùa xuân của những ẩn sĩ lánh đời. Vậy còn mùa xuân của tuổi trẻ đang háo hức và nô nức với cuộc đời? Đại thi hào Nguyễn Du đã miêu tả thay cho tuổi trẻ không khí tinh khôi, vui tươi, náo nức ấy trong cảnh ngày xuân của “Truyện Kiều”:

                                                Cỏ non xanh tận chân trời

                                    Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

                                                ......

                                                Gần xa nô nức yến anh

                                    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

                                                                        (Nguyễn Du – “Truyện Kiều”)

            Tuổi trẻ hoà trong hội xuân rộn ràng. Dẫu cho tâm trạng vẫn trở về cung bậc đa sầu đa cảm khi tan hội, nhưng Kiều đã thấy được mùa xuân của cuộc đời mình từ khi Kim Trọng xuất hiện. Mùa xuân – sức xuân – tình xuân mang hình bóng Kim Trọng luôn da diết, trào dâng trong lòng, đưa nàng thoát khỏi trạng thái sầu đau ám ảnh từ nấm mồ Đạm Tiên, thúc giục nàng “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để tình tự, để tri âm, để thề nguyền cùng Kim Trọng. Mùa xuân năm ấy, mùa xuân của tình yêu đầu tiên vẫn luôn da diết, thổn thức, hoài nhớ trong trái tim nàng trong suốt mười lăm năm lưu lạc, chìm nổi trong số kiếp đoạn trường. Để rồi từ mùa xuân rạo rực khát vọng tình yêu trở thành mùa xuân thương thân, thương cho khát vọng tình yêu mãi mãi dang dở: “Ngày xuân mòn mỏi, má hồng phôi pha”.

            Từ đây, ta có cảm xúc tiếc xuân, than xuân vang vọng trong thi ca viết về thân phận người phụ nữ, như Hồ Xuân Hương từng chán ngán cho tuổi xuân phôi pha theo năm tháng:

                                    Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

                                                            (Hồ Xuân Hương – “Tự tình II”)

            Như các nhà thơ trong phong trào Thơ mới (1932-1945) từng say xuân, hoài xuân rồi tiếc xuân, khi nhận ra thời gian không tuần hoàn; thời gian là tuyến tính, trôi chảy, một đi không trở lại. Bởi vậy, liệu có sắc xuân - tuổi xuân nào có thể chống chọi được với thời gian?

                                    Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

                                    Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

                                                            (Xuân Diệu – “Vội vàng”)

            Tiếng thơ  “thiết tha, rạo rực” nhưng đầy “băn khoăn” của Xuân Diệu như đã thể hiện nỗi lòng của cả một thế hệ thanh niên trong phong trào Thơ mới. Từ “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính đến “Mùa xuân chín” của Hàn Mạc Tử liệu có làm nên sự vận động tâm tình của cái “tôi” Thơ mới trong cảm thức về mùa xuân? Từ rạo rực đến bâng khuâng, từ say xuân đến tiếc xuân, từ ngây ngất yêu người đến da diết thương người:

                                    Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

                                    Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

                                                            (Hàn Mạc Tử - “Mùa xuân chín”)

            Dù là nhớ, tiếc, thương, sầu thì cũng đều xuất phát từ khát khao mãnh liệt một tuổi thanh xuân, một sức xuân, một tình xuân đong đầy, mãnh liệt trong lòng mình, để được đồng điệu với người ta yêu thương.

            “Mùa xuân là cả một mùa xanh” (Nguyễn Bính), như màu xanh non lộc biếc, thi ca không bao giờ có tuổi: “Riêng những câu thơ còn xanh” (Văn Cao).  Và tôi tin, trái tim cũng không bao giờ có tuổi, chừng nào con người còn biết yêu và lưu luyến mùa xuân, biết tin vào mùa xuân.

            Em ơi em, mùa xuân đến rồi đó!

                                                                                                                                                                                                                                           Xuân, 14/2/2024

Vũ Ngọc Đức
Số lượt xem:340
Bài viết liên quan:
account_circle .:: THÔNG BÁO ::.
keyboard_arrow_rightThông báo về việc thay đổi địa chỉ website Trường THPT Trần Quốc Tuấn

Địa chỉ mới sẽ là: thpttranquoctuan.kontum.edu.vn

info TIN TỨC TỪ SỞ GDĐT

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN
Cơ quan chủ quản: Trường THPT Trần Quốc Tuấn
Người chịu trách nhiệm chính: ThS. Mai Xuân Kiên - Hiệu trưởng
  Số 269, đường 24-3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum            Điện thoại: 0260 2213279          Email: c3dakha.kontum@moet.edu.vn
Bản quyền thuộc về Trường THPT Trần Quốc Tuấn huyện Đăk Hà

 

2608 Tổng số người truy cập: 5 Số người online:
TNC Phát triển: