banner
Thứ 6, ngày 17 tháng 5 năm 2024
LÝ LUẬN VĂN HỌC: NHÀ VĂN VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC
27-12-2023

                                                                                                                                                                                                            Sưu tầm

I. NHÀ VĂN

1.1. Thiên chức nhà văn

  - Thiên chức của vị sứ giả văn hóa: Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm mang tính cầu nối để con người đến với con người, thời đại này đến với thời đại khác, nền văn hóa này đến với nền văn hóa khác... 

  - Thiên chức sáng tạo: Nhà văn Nam Cao từng nói rằng: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối”. Đúng vậy nghệ thuật phải nên là ánh trăng tỏa sáng đẹp nhất lung linh nhất, nhưng cũng phải chân thật, dịu dàng nhất. Dấn thân vào con đường nghệ thuật, người nghệ sĩ phải luôn là những người lao động sáng tạo.

  Quá trình lao động sáng tạo ấy là để tạo ra:

  + Những tác phẩm mới mẻ về nội dung (thể hiện những khám phá phát hiện về đời sống, phát hiện ra cái đẹp cả ở những nơi không ngờ tới).

  + Tạo ra sự mới mẻ về hình thức nghệ thuật (sáng tạo ra những hình thức nghệ thuật mới lạ, hướng đến sự hoàn mĩ).

  + Tạo ra cái độc đáo (phong cách riêng): Nhà văn Nguyễn Tuân đừng bày tỏ quan điểm của mình: “ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo”. Trong lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy văn trương luôn cần sự đổi mới và cách tân của người nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Mỗi chúng ta sinh ra đều có rất nhiều cách chọn cuộc sống cho riêng mình, cũng như đối với nghệ sĩ đều có quan điểm đến với nghệ thuật cá nhân. Nguyễn Đình Thi từng nói: “bắt rễ từ cuộc đời, hàng ngày văn nghệ lai tạo sự sống cho con người”, “Nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên” (Ruskin) và “cuộc đời là nơi xuất bản, cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Nghệ sĩ là người luôn bày tỏ suy nghĩ quan điểm, cảm nhận của mình trước mọi biến thái của cuộc đời theo những cách khác nhau và từ đó mang đến cho người đọc những rung cảm khác nhau. “nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo” (Nguyễn Tuân), vì vậy mỗi nhà văn cần phải không ngừng sáng tạo biến tấu và theo dõi theo tác phẩm văn học của mình những điều mới mẻ, mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là “phát minh mới về hình thức và khám phá về nội dung”. Văn học không quá đòi hỏi sự cầu kỳ, văn học đòi hỏi sự sáng tạo. Mỗi nhà văn đến với nghệ thuật muốn ghi dấu ấn trong nền văn chương thì cần phải có phong cách, quan điểm sáng tác riêng không lẫn với bất kỳ người nào khác, “Không có tiếng nói riêng không mang lại những điều mới mẻ cho văn chương mà chỉ biết dẫn theo đường mòn thì tác phẩm nghệ thuật sẽ chết” (Lêônit lêônốp).

  Người nghệ sĩ không được dẫm theo dấu chân của người khác, phải là người biết “khơi những nguồn chưa ai khơi”, hoặc đổi mới những điều mà “ ai cũng biết cả rồi”. Nghệ thuật chân chính đòi hỏi những tiêu chí cao như vậy. Bởi lẽ nếu tác phẩm nghệ thuật không có sức sáng tạo, nhà văn không tạo ra phong cách con đường riêng của mình thì văn chương sẽ chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời. Tạo ra phong cách riêng, con đường riêng, sáng tác riêng của mình người nghệ sĩ sẽ tạo ra sự sáng tạo trong tác phẩm thể hiện được khả năng cá nhân và gây được ấn tượng trong lòng người đọc

  - Hướng con người đến cái đẹp, cái thiện, cái cao cả (chân-thiện-mĩ): Nhà văn phải là “những nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Bàn về thiên chức của nhà văn và nhiệm vụ của văn chương Lã Nguyên đã có ý kiến: “mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân, thiện, mỹ quy luật nhân bản. Nhà văn chân chính có sứ mệnh khởi nguồn cho dòng sông, phân lọc đổ ra đại dương nhân bản mênh mông. Kể cả khi phản ánh cái xấu xa, đê tiện thì vẫn là để hướng con người đến cái đẹp, cái thiện.

=> Nhà văn phải là người có ý thức trách nhiệm với cuộc đời, có cái nhìn đúng về cuộc sống con người và sứ mệnh nghệ thuật để từ đó bằng tài năng và tâm huyết sang tạo được những tác phẩm có ích cho đời và bền vững với thời gian.

1.2. Tư chất nghệ sĩ:

- Giàu tình cảm:

   Tình cảm ở người nghệ sĩ ấy chính là trái tim mãnh liệt và nồng cháy của mình trước cuộc sống và cả trong sáng tác. Bởi tình cảm trong nhà văn như yêu, ghét, vui, thương mến hay căm giận, hờn dỗi đều đến độ mãnh liệt. “Gặp cái gì hay và đáng yêu thì họ ôm choàng lấy, nếu gặp điều đáng giận thì họ sẽ bác bỏ…Phải kịch liệt công kích cái sai như đã từng nhiệt liệt ủng hộ cái đúng, ôm chặt người yêu như thế nào thì nghiến chặt kẻ thù như thế" (Lỗ Tấn). Và nhà văn là người sáng tạo ra cái đẹp nghệ thuật cho con người và cuộc đời nên người nghệ sĩ ấy không thể thiếu được một trái tim mãnh liệt, phong phú và sâu sắc.

 - Sự mẫn cảm đặc biệt:

  + Con người ai cũng có yêu, ghét, vui buồn… nhưng nhà văn phải là người nhạy cảm, dễ xúc động. Vì trái tim người nghệ sĩ không rung động thì sẽ không thể thăng hoa cảm xúc để cho ra đời những tác phẩm hấp dẫn và ý nghĩa "Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt để thể hiện sự nồng cháy trong lòng" (Sóng Hồng)

  + Tâm hồn nhạy cảm, sự mẫn cảm đặc biệt với đời như vui buồn hay trăn trở với những điều người khác cho là bình thường có thể gạt bỏ đi một cách dễ dàng, đó cũng là một trong những cách thể hiện tình cảm ở người nghệ sĩ.

- Tâm hồn phong phú:

    Người nghệ sĩ là người tạo ra cái đẹp cho cuộc đời, vì thế chắc chắn sẽ không thể thiếu đi một tâm hồn phong phú. Người nghệ sĩ có một tâm phong phú sẽ là người luôn biết tự tìm hiểu, khám phá, suy tưởng.... Với một tâm hồn phong phú, người nghệ sĩ có thể hóa thân thành người trong cuộc, có thể nói lên kể cả những tiếng nói sâu kín nhất, “sản phẩm mà họ tạo ra sẽ mãi là những kiệt tác văn chương, đi sâu vào lòng độc giả.

- Nhân cách đẹp:

   Bản chất của văn học là hướng con người tới vẻ đẹp chân thiện mĩ, những đạo lí đẹp, bồi dưỡng cho tâm hồn con người những ánh sáng thiện tâm lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ và ấm áp tình người. Vì thế nhà văn mỗi khi cầm bút, tâm thế cũng phải vằng vặc sao khuê mới có thể nhả chữ châu ngọc cho đời. Nói rõ hơn chính là muốn trở thành nhà văn phải là những người có nhân cách.

  Người nghệ sĩ khi viết một tác phẩm phải trung thành với sự thật. Cuộc sống có như thế nào thì nói như thế ấy, phải trung thực với cuộc sống chứ không phải trung thành với một cá nhân nào khác. Nguyễn Khuyến trong di thúc từng viết: “không chỉ trung thực khi thể hiện niềm vui, tinh thần lạc quan mà trung thực cả khi bộc lộ sự mất mát, đớn đau”.

  Không phải bất cứ nhà văn nào cũng đầy đủ những tư chất nghệ sĩ nói trên, mặc dù những mặt đó chưa phải là tất cả và những tư chất ấy công cô lập mà hoà nhập vào nhau, xuyên thấu vào nhau và dựa vào nhau mà phát huy tác dụng. Ta cũng biết những tư chất của một nghệ sĩ như trên thì luôn ẩn chứa bên trong mỗi con người, như M.Gorki đã viết: “Tôi tin chắc rằng mỗi người đều mang trong mình những năng khiếu của người nghệ sĩ”. Vì có những tư chất ấy mà người nghệ sĩ đã truyền tải vào trong tác phẩm của mình và tạo được sự đồng cảm, tạo nên nhiều tài năng cho văn học nghệ thuật hay ở đây chính là những nhà văn xuất chúng.

- Các tiền đề của tài năng

+ Tưởng tượng, liên tưởng phong phú, độc đáo: Là dấu hiệu quan trọng nhất của tài năng nghệ thuật, là sức mạnh chủ yếu của quá trình sang tạo, là biện pháp quan trọng của kĩ thuật xây dựng hình tượng giúp nhà văn tạo ra thế giới nhân vật phong phú và tổ chức tác phẩm với sự toàn vẹn của nó

  • Tài quan sát tinh tế rộng rãi: Nhà văn là người có thói quen và năng khiếu quan sát tinh tế đến tận ngóc ngách của đời sống. Nhiều khi những chi tiết nhỏ nhặt, vụn vặt trong con mắt người bình thường nhưng nhà văn lại phát hiện được ý nghĩa sâu xa, lí thú có ý nghĩa khái quát trong từng chi tiết.
  • Giàu trải nghiệm đời sống:
  • Tích lũy vốn sống:

II. QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC

Văn học là một loại hình nghệ thuật đặc biệt mà điểm xuất phát cũng như đích đến đểu là những vẻ dẹp của cuộc sống. Văn học luôn hướng con người ta vươn đến chân trời chân thiện mĩ giúp gìn giữ và bồi dưỡng tâm hồn, tinh thần nhân văn, nhân đạo trong mỗi con người. Vì thế mà văn học phản ánh khá toàn diện và sâu sắc mọi mặt đời sống bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật thông qua tác phẩm văn học. Nhưng để có được một tác phẩm đặc sắc thì mỗi nhà văn phải trải qua cả một quá trình sáng tác hết sức công phu, tì mi và lâu dài. Con đường sáng tác một tác phẩm tâm đắc đối với mỗi nhà văn thì không giống nhau nhưng trong quá trình ấy, cái chung cơ bản như sau.

2.1. Quan sát, trải nghiệm

- Sáng tác văn chương là hành trình âm thầm, lặng lẽ không ngừng dấn thân để khám phá và miêu tả đời sống. Từ muối mặn, phù sa, hương sắc cuộc đời nhà văn phải sống hết mình với cuộc đời để cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Người nghệ sĩ phải ngụp lặn trong bề đời để tìm ra chất vàng mười gửi vào trang sách, thậm chí chắt lọc từ nỗi đau của mình để tạo nên những viên ngọc văn chương quý giá.

- Có thể ví quá trình sáng tạo của nhà văn như hành trình của bầy ong tạo ra mật ngọt. Từ cuộc đời muối mặn nhà văn chắt lọc các vấn đề từ hiện thực đời sống để đưa vào trang sách bằng tất cả sự mẫn cảm đặc biệt của mình

2.2. Cảm hứng sáng tác

Có thể ví cảm hứng như là chất men của sự sáng tạo. Trước cuộc sống với những vận động phức tạp nhà văn luôn có những cảm nhận, suy nghĩ, tình cảm, rung động. Bằng sự mẫn cảm đặc biệt đến một lúc nào đó tâm hồn nhà văn chứa đầy cảm xúc mãnh liệt và có nhu cầu giải phóng nội tâm. Nhà văn tìm đến tác phẩm văn chương, kí gửi những tâm tư, tình cảm đến người đời để tìm sự đồng điệu.

=> Cảm hứng sáng tác chỉ thực sự xuất hiện khi tình cảm, cảm xúc đạt đến mãnh liệt, cao độ, tràn đầy đòi hỏi phải được biểu hiện qua nội dung và hình thức nghệ thuật. Cảm hứng sáng tạo là một sự thôi thúc, tạo đà cho nhà văn cầm bút viết. Cảm hứng chính là nguồn gốc trực tiếp của sang tạo nghệ thuật.

 2.3. Hình thành ý đồ sáng tác và viết thành tác phẩm

  a. Đây là quá trình:

  - Tìm đến nội dung: Chủ đề, đề tài, tư tưởng

  - Tìm đến hình thức nghệ thuật: Thể loại, ngôn từ, kết cấu, hình ảnh…

=> Trải qua quá trình sáng tạo, nhào nặn của người nghệ sĩ, hiện thực đời sống không còn là hiện thực đơn thuần nữa mà nó là hiện thực được phản ánh qua cách nhìn, lăng kính và tài năng của nhà văn. Qua sự sáng tạo của nhà văn, tác phẩm văn học trở thành chất men say, trở thành cái đẹp khiến trải qua thăng trầm vẫn lôi cuốn bạn đọc, hướng con người đến chân- thiện-mĩ (Cái đẹp ở đây được hiểu bao gồm cả nội dung và hình thức nghệ thuật).

  - Với tác phẩm văn học, nhà văn đã bất tử hóa hiện thực để giữ hộ cho con người "Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày". Đó chính là hiện thực cuộc sống, lẽ sống, tư tưởng, thông điệp thẩm mĩ mà nhà văn muốn lưu lại cho đời và chuyển tải cho người đọc. Như vậy, quá trình sáng tạo tác phẩm văn học không chỉ tuân thủ quy luật phản ánh hiện thực mà còn phù hợp với chức năng của văn học.

  b. Các giai đoạn sáng tác:

  Đối với một nhà văn chuyên nghiệp thì có thể nói suốt cuộc đời là một quá trình chuẩn bị sáng tạo và sáng tác không ngừng. Trong quá trình sáng tác của các nhà văn cô thể chia thành các khâu: hình thành ý đồ, thiết lập sơ đồ, viết và sửa chữa. Các khâu này không hoàn toàn phấn biệt một cách rạch ròi, mà có thể xen kẽ, gối đầu nhau và trong quá trình sáng tác có thể thêm hoặc bớt, tuỳ theo thể loại văn học khác nhau.

* Giai đoạn hình thành đồ sáng tác:

+ Trước hết, ý đồ được khơi nguồn từ những niềm xúc động trực tiếp trước một con
người hay sự kiện mang ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống. Tồ Hoài có ý định viết “Truyện Tây Bắc” do xúc động trước cảnh vợ chồng chị Lý tiễn mình về trong chuyến đi thực tế ở Tây Bắc năm 1952.

+ Ý đồ sáng tác có thể bắt nguồn trực tiếp từ những nhiệm vụ giáo dục và đấu tranh
tư tưởng. Nhiệm vụ chính trị tư tưởng được tác giả đặt ra chủ động có ý thức như là một kế hoạch đã vạch sẵn và không bao giờ là những ý niệm, tín điều trừu tượng... Ý đồ sáng tác cũng có thể bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian, một lí thuyết khoa học, một hồi tưởng hay liên tưởng nào đó trong cuộc đời. Bất kì ý đồ nào cũng liên quan đến quan niệm và sự hiểu biết về cuộc đời, lòng quan tâm, ước mơ vô lí tưởng của nhà văn.

+ Ý đồ sáng tác của các nhà văn không đứng yên mà có thể thay đổi và phát triển,
nhất là trong những tác phẩm tự sự bởi nhà văn phải đối diện với nhiều biến cố trong
cuộc sống hằng ngày, vây nên trong thời gian khá dài, nhà văn mới có thể cho ra đời
một tác phẩm hoàn chỉnh và chính xác nhất.

* Giai đoạn chuẩn bị:

+ Từ giai đoạn hình.thành ý đồ đến giai đoạn viết thành một tác phẩm hoàn chỉnh là
cả một quá trình hoàn thiện dẫn qua khâu chuẩn bị rất công phu và đầy đủ về nhiều mặt. Chuẩn bị càng kĩ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Sự chuẩn bị trong thơ trữ tình không hẳn đã nghiêng về thu thập tài liệu mà là sự chuẩn bị về suy nghĩ và cảm xúc. Quá trình này diễn ra âm thầm trong tâm trí của các nhà văn và đến khi cảm xúc đã thật đầy đủ thì những vần thơ sẽ hoàn thành.

+ Sự chuẩn bị trong sáng tác thơ trữ tình có khi xảy ra rất nhanh nhưng không hiếm
những bài thơ phải thai nghén trong hàng chục năm trời. Chẳng hạn, bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương, Huy Cận định viết từ năm 1940. Khi còn học ở trường cao đẳng canh nông, ông muốn viết về cuộc đời và con người trầm luân thể hiện qua những pho tượng. Sau Cách mạng tháng Tám, ông nhiều lần đến chùa Tây Phương để nuôi dần độ chín của cảm xúc và suy nghĩ. Mãi đến 1960, với chỗ đứng và tầm nhìn mới, ông đãphát hiện thêm nhiều vấn đế về tâm hồn, tình cảm của nhân dân ta trước đây gửi gắm qua những pho tượng và ông đã hoàn thành tác phẩm vào dịp đó.

+ Trong văn xuôi có khác hơn so với thơ trữ tình. Bước đầu tiên của giai đoạn chuẩn
bị, nhà văn phải thú thập tài liệu, phải nghiên cứu mảng hiện thực mà mình định tái hiện, tìm hiểu, các nguồn tư liệu lịch sử, các hồi kí, đi thực tế ở những nơi xảy ra sự kiện đó.

* Giai đoạn lập sơ đồ:

+ Quá trình này nhằm hệ thống hóa những điếu đã quan sát và thu thập được những
ấn tượng, hình ảnh và cảm nghĩ vào trong một chỉnh thể, nó là “phương án tác chiến”,
là bản phác thảo cho nhà văn trước khi viết, là con đường tìm những phương án tối ưu về mặt thẩm mĩ. Đây là một bước khá phức tạp vì nhà văn xử lí hàng loạt mối quan hệ: quan hệ giữa bộ phận và toàn thể, giữa các phần, chương, đoạn, giữa các tuyến nhân vật trong quá trình phát triển. Cũng có một số nhà văn không coi trọng việc lập sơ đồ. Tố Hữu nói: “Tôi làm thơ không có dàn bài. Tôi không biết được bài thơ đến bao giờ thì hết, không biết bao giờ nó dừng lại. Tôi nghĩ sẽ có lúc làm một bài thơ nào đó cũng cầncó những ý lớn làm mốc, nhưng không thể có một dàn bài”. Tuy Tố Hữu nói thế nhưng những nhà văn phải chú ý cần có những ý lớn làm mốc.

* Giai đoạn viết:

+ Giai đoạn viết là khâu quan trọng nhất của quá trình sáng tác. Đó là một giai đoạn
khó khăn phức tạp, một quá trình lao động căng thẳng, tràn ngập niềm vui và nỗi buồn, đầy cảm hứng và lo âu, băn khoăn và suy tính.

+ Khó khăn nhất là viết những dòng đầu tiên. Khi nhà văn viết được vài dựng thì họ
sẽ cảm thấy như được sống cùng với các nhân vật, đang được nhìn ngắm, tâm sự, tranh luận với chúng. Quá trình nhập thân của nhà văn càng sâu sắc bao nhiêu thì các trang
viết còn cụ thể, sinh động bấy nhiêu. Khi viết bài thì các nhà văn phải thay đổi chút ít, phải bồi đắp da thịt thì bài viết mới hay và sống động được.

+Trong giai đoạn viết, nhà văn phải vật lộn với từng chữ, một sự thống nhất chứa đầy
mâu thuẫn giữa tình cảm, lí tưởng của nhà văn và thực tế cuộc sống. Ở các nhà văn khác nhau có người viết nhanh có người viết đều và chậm rãi. Điều đó phụ thuộc vào phong cách sáng tạo, đặc điểm và tính cách, thói quen cửa các nhà văn. Dĩ nhiên, còn phụ thuộc vào tính chất phức tạp của đề tài.

* Giai đoạn sửa chữa:

+ Giai đoạn cuối cùng của quá trình sáng tác là sửa chữa. Bước vào giai đoạn này,
nhà văn mới có cơ hội nhìn bao quát thành quả của mình, hoàn thiện nó để đạt đến tính tư tưởng, tính nghệ thuật theo ý đồ mong muốn mới nhất và cao nhất lúc đó. Trên thực tế, có một số nhà văn không muốn và cho rằng không cần sửa chữa. La-mác-tin cho rằng “sáng tác thơ ca là một cái gì đó vô chủ mà thiêng liêng, nhà văn không có quyền sửa chữa”. Nhưng hầu hết các nhà văn phải trải qua giai đoạn sửa chữa khá công phu sau khi hoàn thành bản thảo lần thứ nhất. Huy Cận viết bài thơ Tràng giang cũng phải trải qua mười bảy lần sửa bản thảo. Cu-pơ - nhà văn lãng mạn Anh nói: “Những sửa chữa áp đi áp lại không biết mệt mỏi là bí quyết hầu như của bất cứ tác phẩm nào đạt, nhất là của thơ mà dù có một số tác giả khoe mẽ về tình cẩu thả của họ, còn một số những người khác thì lại từng đỏ mặt khi đưa ra có ban nháp của mình”. Bô-đơ-le đã làm chậm kế hoạch in hàng năm tháng tác phẩm Những tác phẩm tội ác và đã bị nhà xuất bản phản đối chỉ vì như ông đã nói: “Tôi đáng vật lộn để chống lại ba mươi câu thơ viết tồi vẩn dở, khó chịu, không đạt yêu cầu”.

III. CÁC ĐỀ VĂN LIÊN QUAN

ĐỀ SỐ 1

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.

(Trích: “Tiếng nói của văn nghệ” - Nguyễn Đình Thi)

Em hiểu như thế nào về ý kiến trên? Bằng trải nghiệm văn học, em hãy làm sáng tỏ ý kiến đó.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

 1/ Giải thích       

- Tác phẩm: đứa con tinh thần, sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ.

- Nghệ sĩ: người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.

- Vật liệu mượn ở thực tại: hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm.

- Ghi lại cái đã có rồi: sao chép y nguyên cuộc sống như nó vốn có.

- Muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phẩm thể hiện cách nhìn và cách khám phá riêng về hiện thực đồng thời gửi gắm những thông điệp của người nghệ sĩ.

- Cặp quan hệ từ: không những….mà còn….: chỉ quan hệ bổ sung.

=> Ý kiến khẳng định vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học và đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

2/ Bàn luận

 */Vì sao tác phẩm nào cũng xây dựng bằng chất liệu mượn ở thực tại?        

- Thực tại đời sống là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có sáng tác văn chương. Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật.

- Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là nguồn chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó còn là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống và hình thành cảm xúc.

- Văn học trở thành tấm gương phản chiếu thực tại đời sống để qua tác phẩm, người đọc có thể hình dung được “sự sống muôn hình vạn trạng”. Không bám sát đời sống, nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu “chất sống”. Nếu thoát li thực tại văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí.

*/Vì sao nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ?

- Không thể đánh đồng thực tại đời sống với văn chương vì làm như vậy là hạ thấp văn chương và không hiểu về giá trị của những sáng tạo nghệ thuật.

- Nếu chỉ ghi lại những cái đã có rồi sẽ không thỏa mãn được nhu cầu lí giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Người đọc sẽ chỉ thấy trong tác phẩm văn học những điều họ đã thấy được ở ngoài cuộc đời, khi đó văn chương sẽ không còn cần thiết, người đọc chỉ cần sống với cuộc đời thực là đủ. Vì thế tác phẩm văn học sẽ nhạt nhẽo, vô vị thiếu sức cuốn hút.

- Thực tại đời sống được cảm nhận dưới con mắt của người nghệ sĩ bao gồm những điều mà mọi người đều thấy và cả vấn đề mà người khác chưa thấy - những điều sâu sắc và mới mẻ luôn phát sinh từ cuộc sống.

- Những chất liệu thực tại cần sự sắp xếp và tái hiện, sáng tạo trên cơ sở những gì đã có để từ những mảng rời rạc của đời sống tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Đó là nhờ tài năng và công phu lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.

- Sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần mà đặc trưng của nó là tính cá thể hóa cao độ, đòi hỏi nhà văn phải đem đến cho văn chương một tiếng nói riêng, phong cách riêng, nếu không tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng.

- Thực tại đời sống được người nghệ sĩ ghi lại không phải là sự phản ánh một cách máy móc, rập khuôn mà được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước hiện thực. Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn gửi gắm, kí thác những ước mơ khát vọng về cuộc đời. Qua tác phẩm ta thấy được thông điệp tinh thần người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm.         

 3/ Chứng minh

Ví dụ: Chí Phèo của Nam Cao

- Đề tài về người nông dân đã được cày xới rất kỹ lưỡng trên cánh đồng văn chương nhưng Chí Phèo lại mang một sắc thái hoàn toàn mới mẻ, bi kịch của người nông dân – bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

- Sự xuất hiện của Chí Phèo độc đáo: Hắn vừa đi vừa chửi…ý nghĩa của tiếng chửi…

- Sự thay đổi về nhân hình lẫn nhân tính (từ Chí Phèo lương thiện – lưu manh- tha hoá – quỷ dữ) khác hẳn những tác phẩm của các nhà văn cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan…

- Hình tượng nhân vật xấu đến tốt cùng: Thị Nở – dùng bút pháp “vẽ mây nẩy trăng” cái xấu về ngoại hình để làm nổi bật cái đẹp về nhân cách

(Thí sinh có thể khai thác sâu hơn về quá trình hồi sinh và thức tỉnh của Chí Phèo)

- Có thể lấy thêm một vài tác phẩm khác     

 4/ Mở rộng

- Nhận định đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm.

- Người nghệ sĩ phải gắn bó với cuộc đời và cảm nhận cuộc sống ở bề sâu mới có thể phát hiện ra những điều mới mẻ nằm trong những chất liệu quen thuộc của thực tại. Người nghệ sĩ cũng cần phải có cá tính sáng tạo thể hiện bản sắc riêng của mình vào tác phẩm từ đó đóng góp cho văn chương những điều mới mẻ. Để làm được điều đó người nghệ sĩ phải có tài năng, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp.

- Qua tác phẩm người đọc nắm bắt được hiện thực đời sống, khám phá cái nhìn, cách cảm mới mẻ mang phong cách riêng của người nghệ sĩ.

- Tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật không chỉ là phản ánh chân thực, thấu đáo bản chất của hiện thực cuộc sống mà còn ở những điều mới mẻ người nghệ sĩ gửi gắm, kí thác vào tác phẩm nghệ thuật của mình.      

ĐỀ SỐ 2

“Nếu ví tác phẩm văn học như một hạt ngọc tròn trặn, ánh ngời thì cái tạo nên nó là hạt cát- hiện thực cuộc sống- và nước mắt hạch trai- công phu của người nghệ sĩ”.

Từ sự so sánh trên anh/chị hiểu được điều gì về nguồn gốc và quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật? Hãy làm sáng tỏ điều đó bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học của bản thân.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

Mở bài: Giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn ý kiến (Nguồn gốc và quá trình sáng tạo nghệ thuật)

Thân bài:

1/ Giải thích vấn đề.

+ Nguồn gốc tạo nên hạt ngọc tròn trặn ánh ngời là hạt cát, bụi bặm biển khơi và sức chịu đựng đau đớn của con trai.

+ Nguồn gốc hình thành tác phẩm văn học “bắt rễ” từ hiện thực cuộc sống và công phu của người nghệ sĩ.

=> Quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật cũng như quá trình ong làm mật. Để làm được một giọt mật, con ong phải bay vạn chuyến bay còn người nghệ sỹ để sáng tác được một tác phẩm phải dựa vào sự nỗ lực, năng lực của mình để khai thác hiện thực cuộc sống. Tác phẩm ấy phải xuất phát từ chính hiện thực cuộc sống, qua tình cảm, tài năng, sự lao động miệt mài của nhà văn mới có thể trở thành tác phẩm chân chính.

=> Ý nghĩa lời nhận định: đề cập đến vấn đề nguồn gốc và quá trình sáng tác: Nghệ sỹ cần phải sống thực, sống sâu sắc với cuộc đời, tác phẩm phải chứa đựng tình cảm chân thành, sâu đậm phải bắt nguồn từ đời sống thực tế thì mới đến được vạn tấm lòng của người đọc, đồng thời nhà văn phải trau dồi tài năng để tạo nên “vân chữ” của riêng mình.

 2/ Bàn luận vấn đề.

 - Tác phẩm văn học phải bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống bởi “Cuộc đời là điểm khởi đầu và cũng là điểm đi tới của văn chương”. Tác phẩm văn học là hiện thực cuộc sống được phản ánh qua lăng kính của nhà văn bằng tư tưởng, tình cảm, tài năng người nghệ sỹ.

- Tác phẩm văn học phải là sự trải nghiệm, sáng tạo miệt mài, công phu của người nghệ sỹ (từ quan sát, trải nghiệm, có cảm hứng sáng tác đến hình thành ý đồ và viết thành tác phẩm) để tạo nên những tác phẩm có giá trị. Nhà văn phải am hiểu cuộc sống, phải có một vốn sống đa dạng, phong phú, sâu sắc và đúng đắn. Vì thế, nhà văn nhất thiết phải tham gia trực tiếp vào những quá trình của cuộc sống mà mình muốn hiểu để có tầm nhìn rộng và sâu.

3/ Chứng minh vấn đề qua bài thơ "Tràng giang"

*/ Giới thiệu:

- Huy Cận là một gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới, người góp cho thơ mới một hồn thơ buồn ão não, một nỗi sầu vạn kỉ với những tác phẩm đậm chất cổ điển mà vẫn hấp dẫn người đọc.

- Tràng giang là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng Tháng Tám, một bài thơ mới nhưng thấm đẫm chất đường thi, là giọt mật ngọt trong di sản của Huy Cận.

*/ Nội dung: Tràng giang thể hiện quá trình sáng tạo của Huy Cận cả về nội dung, nghệ thuật, tư tưởng tình cảm:

- Sự sáng tạo về nội dung:

+ Phác họa một bức tranh thiên nhiên mênh mông vô biên và tuyệt đối hoang vắng.

+ Thể hiện tâm trạng buồn ão não, sự rợn ngợp, cảm giác nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng của con người trước không gian.

- Sự sáng tạo tư tưởng, tình cảm:

+ Qua tâm trạng và nỗi lòng, bài thơ đã thể hiện sự luyến tiếc, xót xa của thi nhân trước không gian hoang vắng của đất nước.

+ Bày tỏ niềm xót xa đối với những kiếp người nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng, nổi trôi giữa dòng đời.

+ Bộc lộ nỗi nhớ quê, nhớ nhà da diết, qua đó, bày tỏ lòng yêu nước thầm kín mà sâu sắc.

=> Tư tưởng và tình cảm này của Huy Cận là tư tưởng tình cảm của cả một lớp thanh niên trí thức đương thời – những người yêu nước nhưng bất lực và bế tắc trước thời cuộc.

- Sự sáng tạo về nghệ thuật: Bài thơ đậm chất Đường thi: Từ hình ảnh (thuyền, nước, cánh chim, không gian, sông, nước…) đến thủ pháp nghệ thuật (đối lập, tương phản…), đến ngôn từ… đều phảng phất chất Đường thi. ...

3/ Bàn bạc, mở rộng

- Quá trình khổ công, miệt mài tìm kiếm những chất liệu thô, mộc từ trong cuộc sống rồi qua bàn tay nhào nặn, chế biến, sáng tạo riêng của người nghệ sỹ đã tạo ra “giọt mật” văn chương. “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”

- Là người sinh ra và trưởng thành trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước: Đất nước chìm đắm trong đêm trường nô lệ, kiếp người trở nên nhỏ bé, lạc lõng, nổi trôi; người trí thức nhận thấy thực trạng đất nước nhưng bế tắc và bất lực. Trong khi đó, thơ mới đang phát triển rầm rộ. Điều này đã giúp Huy Cận có điều kiện được sống, được trải nghiệm và gửi gắm trong Tràng giang bằng những sáng tạo độc đáo.

4/ Liên hệ với đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng)

 (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung, nghệ thuật)

5/ Đánh giá chung

- Sự lao động của người nghệ sỹ không chỉ là sự lặp lại đơn thuần, lao động của người nghệ sỹ là một quá trình lâu dài và gian khổ, ở đó có sự trau dồi, rèn luyện trong cả tư tưởng, tình cảm hay nghệ thuật, phong cách…

- “Nhà văn là người cho máu”. Đó là dòng máu của một trái tim tràn đầy tình yêu thương xuất phát từ cuộc đời và hướng tới cuộc đời để “cho cái đẹp của Trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối, cho chúng rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt.”

c. Kết luận vấn đề. (1.0 điểm)

- Khẳng định vấn đề được đặt ra trong nhận định

- Đối với người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật.

- Đối với người đọc, tiếp nhận tác phẩm.

ĐỀ SỐ 3

Bàn về công việc sáng tạo văn chương, Chế Lan Viên từng viết:

Vay ngoài đời và trả trên trang giấy

Cái vốn đời cho và cái lãi phải làm ra

Mà lãi ư? Đâu chỉ là phù phép văn chương nước bọt ngôn từ.

(Chế Lan Viên, Sổ tay thơ, trích từ tập Đối thoại mới, NXB Văn học, 1973).

     Bằng hiểu biết và trải nghiệm về văn học, anh/ chị hãy cho biết quan điểm của của mình về ý kiến trên.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

 1/ Giải thích

- Vay ngoài đời: mượn chất liệu từ hiện thực đời sống.

- Trả trên trang giấy: từ cơ sở hiện thực, người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm dưới hình thức văn bản ngôn từ trên trang giấy.

-> Câu 1 gợi ra quá trình văn học, từ cuộc đời đến tác phẩm. Người nghệ sĩ "vay" từ cuộc đời và "trả" lãi cho cuộc đời bằng tác phẩm ngôn từ.

- "Cái vốn đời cho" ấy là chất liệu đời sống, là tri thức, kinh nghiệm của người nghệ sĩ.

- "Cái lãi phải làm ra": chính là kết quả khám phá, sáng tạo của người nghệ sĩ trên cơ sở cái vốn đời cho.

-> Câu 2 gợi ra mối quan hệ giữa yếu tố khách quan và chủ quan trong sáng tạo văn chương nghệ thuật.

- Câu 3 có ý nghĩa như một sự chú thích để làm rõ vấn đề "Cái lãi" mà nhà văn phải trả cho đời. "Lãi" đâu chỉ là "phù phép văn chương nước bọt ngôn từ", nghĩa là không đơn giản là trau chuốt hình thức ngôn từ bên ngoài, mà là tất cả sự khám phá, sáng tạo của người nghệ sĩ.

 => Khái quát: Quan niệm của Chế Lan Viên tập trung bàn về quy luật sáng tạo văn chương. Đồng thời, quan niệm ấy cũng gợi ra nhiều vấn đề như: mối quan hệ giữa hiện thực đời sống với văn chương, giữa yếu tố khách quan và chủ quan trong sáng tạo, và hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ,...

2/ Bình luận.

* Công việc sáng tạo của nhà văn bắt đầu từ việc “vay vốn” từ cuộc đời

- Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống. Theo đó, văn học tất yếu phải lấy chất liệu từ hiện thực đời sống. Nói nhà văn “vay vốn” từ cuộc đời có nghĩa rằng nhà văn mượn chất liệu từ hiện thực đời sống để sáng tạo nên tác phẩm.

+ Hiện thực là chất liệu phục vụ cho sáng tác

+ Hiện thực là ngọn nguồn cảm hứng cho mọi sự sáng tạo

+ Hiện thực cũng là đích đến cuối cùng của văn chương nghệ thuật.

+ Nếu xa rời hiện thực thì tác phẩm được sinh ra chỉ là thứ “ánh trăng lừa dối”, và khi đó văn học không thể thực hiện được thiên chức cải tạo đời sống.

- “Cái vốn đời cho” (hiện thực đời sống) người nghệ sĩ bao gồm:

+ Chất liệu hiện thực không đơn thuần là những gì nhà văn trông thấy trong thế giới khách quan bên ngoài.

+ Chất liệu đời sống còn bao gồm cả thế giới tinh thần bên trong con người, đó là những tư tưởng tình cảm, những quan hệ đời sống, những quy luật nhân sinh mà nhà văn cảm thấy, nhận thức được từ “những điều trông thấy”.

- Phản biện: Nhà văn không sao chép hiện thực, mà chắt chiu chất liệu từ hiện thực đời sống để chọn lấy những gì phù hợp với tư tưởng, tình cảm, quan niệm, lí tưởng của mình. Một tác phẩm nếu chỉ sao chép hiện thực thôi thì sẽ không thể đủ sức hấp dẫn người đọc, bởi đó là những cảnh những sự người ta đã biết rồi.

*. Vì sao nhà văn trả lại cho cuộc đời bằng việc sáng tạo ra tác phẩm văn học chân chính

- Từ chất liệu vay được từ đời sống, nhà văn phải phát huy tài năng sáng tạo kết hợp với tư tưởng của mình để tạo ra tác phẩm văn học chân chính. Tác phẩm văn học chân chính đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa “cái vốn đời cho” và “cái lãi phải làm ra”, nghĩa là giữa yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó yếu tố chủ quan của nhà văn mới là điều quan trọng.

+ Sáng tác văn học là sự thể hiện cách nhìn, nhận thức và thái độ phản ứng của nhà văn đối với hiện thực cuộc sống. Văn học là sự phản ánh hiện thực đời sống qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Hiện thực đời sống phải đi qua một cách nhìn, một tư tưởng, một thái độ và quan niệm của nhà văn để trở thành tác phẩm.

+ Nội dung tác phẩm là hiện thực cuộc sống được phản ánh trong sự cảm nhận, suy ngẫm và đánh giá của nhà văn.

+ Mặt khác, nhìn từ phía tiếp nhận, người đọc không chờ đợi cái họ đã biết, đã có, mà chờ đợi những tư tưởng, tình cảm, những triết lí, quy luật nhân sinh, những giá trị vĩnh hằng có ý nghĩa làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của con người, thúc đẩy họ hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn thực tại.

- Tác phẩm văn học chân chính “đâu chỉ là phù phép văn chương nước bọt ngôn từ”, nghĩa là không phải là vỏ bọc ngôn từ hào nhoáng theo lối hình thức thuần túy.

+ Một tác phẩm chỉ trau chuốt hình thức đơn thuần mà không quan tâm đến chiều sâu tư tưởng thì sẽ không thể gây ấn tượng, không làm lay chuyển tâm hồn người đọc, bởi tác phẩm ấy không đưa đến những gì cuộc đời cần.

+ Người đọc với hoạt động tiếp nhận văn học giữ vai trò sàng lọc và bảo tồn tác phẩm văn học, quyết định số phận cho tác phẩm. Cho nên những tác phẩm chỉ chạy theo “tân hình thức” mà quên đi mục đích cần hướng tới thì đó chỉ là thứ “phù phép văn chương bọt nước ngôn từ”.

- Tác phẩm văn học – sản phẩm sáng tạo của nhà văn phải là sự khám phá mới về nội dung và là sự phát hiện mới về hình thức.

+ Nội dung phải mới mẻ, giàu giá trị nhân văn, phải đề cập đến những vấn đề nhân sinh, nhân loại, phải động đến những cảm xúc thiêng liêng của con người.

+ Bên cạnh đó, để yếu tố chủ quan của nhà văn đến được với người đọc, gợi mở, gọi mời người đọc khám phá ra những điều tốt đẹp hơn thì đòi hỏi tác phẩm văn học phải có những hình thức nghệ thuật mới lạ, độc đáo.

- Phản biện: Nhìn vào thực tiễn đời sống văn học ta sẽ thấy, văn học phát triển hết sức đa dạng. Chuẩn thẩm mĩ của tác phẩm còn tùy thuộc vào từng thời đại khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm và giới hạn tầm đón của từng người tiếp nhận.

*. Tác phẩm văn học đến với cuộc đời qua hình thức văn bản ngôn từ - một loại mã kí hiệu tồn tại trên trang giấy

- Bằng việc sáng tạo ra những tác phẩm tồn tại dưới hình thức mã kí hiệu ngôn ngữ tồn tại trên trang giấy. Để tác phẩm đến được với cuộc đời, cần phải có hoạt động tiếp nhận của người đọc.

+ Sự tiếp nhận của người đọc đã giải mã hệ thống kí hiệu để chuyển nội dung ý nghĩa của văn bản ngôn từ thành một thế giới tinh thần, biến tác phẩm thành yếu tố của đời sống ý thức xã hội.

+ Người đọc tiếp cận tác phẩm, rồi bằng trí tưởng tượng sáng tạo của mình, xâm nhập vào bề sâu tác phẩm để đón lấy những gì nhà văn gửi gắm và gợi mở.

- Nhà văn “vay” cuộc đời những gì anh ta trông thấy, cảm thấy, nhận thấy, nhưng cái nhà văn “trả” cho đời là vô biên…

+ Người đọc là người chuyển tải thông điệp thẩm mĩ của nhà văn vào cuộc sống.

+ Người đọc không phải là đối tượng thụ động để nhà văn hướng tới cung cấp ý nghĩa tác phẩm mà người đọc cũng là một kẻ tình nguyện với những đam mê, ước muốn, tình yêu, sự thao thức,…  Với tư cách là người “đồng sáng tạo”, sự tiếp nhận của người đọc sẽ làm cho nội dung ý nghĩa của tác phẩm dần dần được mở rộng.

+ Nhà văn không chỉ phản ánh những điều đã có, mà còn gợi ra những điều chưa có, đòi hỏi người đọc phải phát huy năng lực của mình để mở ra những điều chưa có ấy và biến nó thành hiện thực hiện hữu trong đời sống tương lai.

- Theo đó, hoạt động “vay”, “trả” của nhà văn và “nhận” của người đọc không phải đơn giản chỉ là “trao” và “nhận” mà đó là cả một chu trình sống động.

+ Nhà văn muốn “vay”, muốn “trả” đều nhất thiết phải có tư tưởng, phải có ý đồ nghệ thuật, đặc biệt là phải có tài, và có tâm với đời, phải đau nỗi đau nhân loại, phải buồn nỗi buồn thế thái nhân tình, phải rung cảm trước mọi biến cố trong cuộc đời, để rồi viết lên trang giấy những nhận thức của mình.

+ Với người đọc cũng vậy, để nhận được những điều nhà văn “trả”, người đọc cũng cần phải sống nhiều cuộc đời, trải nghiệm nhiều cảnh ngộ, rồi phát huy trí tưởng tượng, vốn sống, kinh nghiệm của mình trên hành trình giải mã tác phẩm văn học.  

3/ Đánh giá, nâng cao

- Quan niệm của Chế Lan Viên không chỉ dừng lại ở phạm vi thơ, mà bao hàm nhiều vấn đề cốt lõi trong quy luật sáng tạo văn chương nói chung.

- Quan niệm ấy đặt ra đòi hỏi đối với nhà văn: muốn có được những tác phẩm văn học chân chính, muốn thực hiện được sứ mệnh cao cả của nhà văn thì phải bám sát hiện thực đời sống, chắt lọc từ hiện thực những tinh chất để đưa đến cho đời. Thêm nữa, tác phẩm – sản phẩm sáng tạo của nhà văn phải có sự thống nhất hài hòa giữa yếu tố khách quan và chủ quan, giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Có như thế tác phẩm ấy mới có thể đến với cuộc đời, góp phần cải tạo đời sống. Nhà văn không thể chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng, lạ hóa lối diễn đạt bên ngoài, mà quan trọng là phải có tư tưởng lớn phù hợp với ý đồ sáng tạo.

- Quan niệm ấy đồng thời cũng gợi cho người đọc hướng tiếp nhận văn chương đích thực, không phải chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài, mà cần phải xâm nhậpvào tác phẩm, khám phá, cảm nhận và mở ra những chiều sâu của tác phẩm./. 

ĐỀ SỐ 4

Biêlinxki cho rằng:

“Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại là bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ những khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại.” 

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, Anh /chị hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến trên.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

1/ Giải thích ý kiến

- “thi sĩ vĩ đại”: là những nhà thơ lớn không chỉ bởi số lượng sáng tác mà còn lớn ở tầm vóc tư tưởng để người đọc mọi thế hệ trân trọng, ngưỡng mộ.

- “những đau khổ và hạnh phúc” là những trạng thái tâm trạng, cảm xúc cao độ của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống.

- Đối với nhà thơ thì những trạng thái, cảm xúc gửi gắm trong thơ được “bắt nguồn từ những khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại”:

+ Thơ không chỉ có cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ mang tính chủ quan. Hiện thực đời sống khách quan luôn là điểm tựa cho những cảm xúc, suy nghĩ trữ tình, là cội nguồn không bao giờ vơi cạn để người nghệ sĩ bộc lộ cảm xúc và suy tưởng.

+ Cảm xúc trong thơ trữ tình không chỉ có tính chất cá thể mà còn có nội dung thời đại, mang tính phổ biến và tính thời sự. Người nghệ sĩ vĩ đại phải phản ánh được hiện thực mang bản chất của thời đại. Vai trò, vị trí, trách nhiệm của họ là phải nói được tiếng nói chung của thời đại, dân tộc và nhân loại.

→ Như vậy, nhận định đề cập tới đặc trưng của thơ trên phương diện nội dung. Cảm xúc tâm trạng, suy nghĩ trong thơ bắt rễ từ hiện thực đời sống xã hội. Nó mang tính cá nhân song cũng mang tầm phổ quát lớn lao. Chính điều này làm nên sức sống của tác phẩm trữ tình và tầm vóc của nhà thơ.

2/ Bình luận, chứng minh

Ý kiến hoàn toàn đúng. Bởi vì:

- Thơ là một thể loại văn học, mang những nét đặc trưng chung của văn học. Thơ bắt rễ từ hiện thực đời sống xã hội, có thể miêu tả trực tiếp hoặc gián tiếp thế giới chủ quan của con người với những cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ, tư tưởng… Nếu tách rời hiện thực đời sống thì cảm xúc, ý nghĩ sẽ không có cơ sở hiện thực để nảy sinh.

- Mặt khác, hiện thực khách quan được nhận thức thông qua cảm xúc, khát vọng của chủ thể trữ tình. Bởi vậy, thế giới trong thơ trữ tình là thế giới đã được nội cảm hóa, khó có thể phân biệt được đâu là khách thể đâu là chủ thể.

- Tình cảm, cảm xúc trong thơ có tính cá thể nhưng mang tầm phổ quát lớn lao. Cảm xúc trong thơ được cất lên trước hết là cảm xúc cá nhân trước cuộc đời, nhưng nhờ sự tự ý thức bộc lộ phần thăng hoa nhất của tinh thần con người nên nhân vật trữ tình bao giờ cũng tự khái quát, nâng cao mình hơn con người có thực ngoài đời để nhập vào tiếng nói văn hóa của thời đại. Ngay cả khi thể hiện những cảm xúc riêng tư nhất cũng chạm tới cảm xúc, tâm trạng của mọi người. Đặc biệt với những nghệ sĩ vĩ đại, nội dung thơ trữ tình thường thể hiện những vấn đề và nhu cầu bức thiết của thời đại. Những vui buồn, sướng khổ của nhà thơ hòa với những thăng trầm của dân tộc, thời đại, kiếp người.

       (Lưu ý: Học sinh cần lựa chọn và phân tích dẫn chứng tiêu biểu của các tác giả lớn trong lịch sử văn học Việt Nam và văn học nước ngoài để làm sáng tỏ cho những luận điểm trên).

3/ Mở rộng, nâng cao

-  Từ những đặc trưng về nội dung thơ trữ tình đã đặt ra yêu cầu đối với người sáng tạo thi ca: Phải sống gắn bó sâu sắc với cuộc đời để có những xúc cảm chân thật xuất phát từ những vấn đề bản chất nhất của hiện thực, tránh đề cập tới những vấn đề quá nhỏ bé, vụn vặt. Bởi nếu như vậy sẽ khó đến được trái tim người đọc, không bao giờ tạo thành những tác phẩm lớn, những tác giả vĩ đại.

- Đối với người tiếp nhận: Cần đánh giá cao tính chân thật, nét riêng và nét khái quát của cảm xúc trong thơ. Cảm nhận thơ phải bằng sự trải nghiệm và những rung động của trái tim để có tiếng nói tri âm đồng điệu với nhà thơ.

ĐỀ SỐ 5

          Một khi viết xong, trong nháy mắt ta héo rũ ra, cảm giác như từ chỗ đang sống thành ra đã chết. Nhưng tôi thấy viết là một trải nghiệm tráng lệ. Và tôi chỉ trọn vẹn là mình khi viết.

          (Sylvia Plath, nữ nhà văn Mỹ, dẫn theo Không thể sống mà không viết, NXB Hội nhà văn, năm 2019)

          Anh, chị bình luận ý kiến trên.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

1/ Giải thích        

- Cảm giác héo rũ ra, cảm giác như từ chỗ đang sống thành ra đã chết: Là cảm giác của người đã trút hết sinh lực, đã vắt kiệt tài năng tâm sức của mình cho sự ra đời của tác phẩm,

- viết là một trải nghiệm tráng lệ: Viết văn là quá trình được sống với những cảm xúc đẹp, đáng nhớ bởi ý nghĩa của nó

- Nhà văn chỉ trọn vẹn là mình khi viết: trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ được sống là chính mình với những cảm xúc trọn vẹn, chân thành nhất mà không chịu sự can thiệp, định hướng, điều khiển từ bất cứ ai    

Ý nghĩa khái quát: Ý kiến trên quả thực có ý nghĩa sâu sắc, bàn về quá trình sáng tạo của nhà văn.  Qua câu nói trên, Sylvia khẳng định viết văn là một quá trình lao động nghệ thuật căng thẳng vất vả, hao tâm tổn trí. Nhưng đó cũng là hạnh phúc của người cầm bút, hạnh phúc được sống hết mình trong một niềm say mê vô tận.        

2/ Bàn luận

Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình lao động nhọc nhằn, hao tâm tổn trí     

-Lao động trong mọi lĩnh vực đều vất vả, đều là quá trình lao tâm khổ tứ của con người để tạo ra những giá trị vật chất hoặc tinh thần cho cuộc sống.

- Sáng tạo nghệ thuật nói chung, trong đó có sáng tạo văn chương là một công việc vô cùng nhọc nhằn do tính chất đặc thù của nó:

+ Nhà văn phải thâm nhập vào cuộc đời bằng một tâm hồn nhạy cảm và một trái tim nhiều xúc cảm, một hành trình cảm xúc mà ở đó, người cầm bút trải qua biết bao hỉ nộ ái ố, buồn vui, hân hoan hay thất vọng đều ở mức độ mãnh liệt mới có thể đánh thức cảm quan sáng tác. Mỗi tác phẩm ra đời là một thành quả chứa đầy tâm huyết của nhà văn .

+ Không chỉ là các cung bậc cảm xúc, thông qua các tác phẩm của mình, nhà văn còn gửi gắm những quan điểm, những thông điệp, những bài học về cuốc sống; điều đó giống như cảm giác của người mẹ trải qua quá trình sinh nở đau đớn để cho ra đời một sinh mệnh đã được thai nghén bấy lâu       

Sáng tạo nghệ thuật cũng là một hành trình trải nghiệm đầy hạnh phúc, thỏa mãn với đam mê         

- Khi viết, nhà văn được hóa thân vào nhiều tính cách, nói lên nhiều tiếng nói khác nhau, được sống với những cung bậc cảm xúc của nhiều số phận khác nhau trong thế giới nghệ thuật do chính mình tạo ra.

- Nhà văn có cơ hội được sống ở nhiều không gian, thời gian cùng với những chuyển động của lịch sử và văn hóa ở những thời điểm khác nhau; được sống nhiều cuộc đời trong một cuộc đời

- Khi viết, nhà văn có cơ hội đối thoại ngầm với thế giới nhân vật, với độc giả, với chính mình, để tìm tiếng nói tri âm hay thể hiện khát khao đồng sáng tạo

=> Đó thực sự là những trải nghiệm đẹp đẽ, phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá của người cầm bút, là niềm hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng có được     

Nhà văn chỉ trọn vẹn là mình khi viết 

-Viết là được giải thoát nội tâm, giải tỏa cảm xúc cá nhân. Đó là những cảm xúc mạnh mẽ, sâu nặng, dồn nén chất chứa bấy lâu trong tâm tư của nhà văn. Sáng tác lúc này trở thành một nhu cầu mãnh liệt, trở thành cách thức để giảm nhẹ gánh nặng xúc cảm, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người viết.

- Viết còn là cách để nhà văn tự biểu hiện, tự bộc lộ con người cá nhân của mình ở nhiều phương diện: vốn sống, vốn văn hóa, quan niệm thẩm mỹ, cá tính sáng tạo, khao khát sản sinh ra chính mình, để lại dấu ấn tâm hồn mình trên tác phẩm Như vậy, viết là lúc nhà văn được sống hết mình, sống chân thật với mình nhất.

(Thí sinh lựa chọn những dẫn chứng văn học phù hợp để diễn giải, phân tích và chứng minh)         

3/ Mở rộng

- Khẳng định tính đúng đắn và sâu sắc của ý kiến trên.

-Ý kiến trên thực sự có ý nghĩa sâu sắc, giúp người đọc hiểu thêm về quá trình sáng tác nhọc nhằn lao tâm khổ tứ của nhà văn trong hoạt động sáng tác văn chương, để rồi từ đó trân trọng hơn những tác phẩm nghệ thuật, những đứa con tinh thần của họ.

- Ý kiến trên cũng giúp nhà văn ý thức được những thử thách và niềm hạnh phúc trong khi viết, một công việc thiêng liêng và cao cả, phát huy ý thức trách nhiệm của người cầm bút.

ĐỀ SỐ 6

Bàn về con đường sáng tạo của nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Hữu Hiệu cho rằng:

Phải sống và nói về ĐỜI như một TOÀN THỂ, về TA như một thành phần và về TA như là TÂT CẢ, vô thủy, vô chung, hủy diệt và hồi sinh trong từng hơi thở.

                             (Nguyễn Hữu Hiệu, Con đường sáng tạo, NXB Trẻ, 2004).

 Bằng những hiểu biết và trải nghiệm về văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

1/ Giải thích

- “Phải sống và nói về ĐỜI như một TOÀN THỂ”: Nhà văn phải có sự trải nghiệm cuộc sống thật phong phú, sâu sắc và phải viết về cuộc sống, phản ánh hiện thực trong cái nhìn tổng thể, đa chiều, biện chứng chứ không phải đơn nhất, phiến diện. (như một TOÀN THỂ). (0,5 điểm)

- “Phải sống và nói về TA như một thành phần và về TA như là TÂT CẢ, vô thủy, vô chung, hủy diệt và hồi sinh trong từng hơi thở”: Những cảm xúc, tâm trạng, khát vọng của nhà văn được gợi lên trong tác phẩm là nỗi niềm riêng tư của chính nhà văn (TA như một thành phần) nhưng đó cũng là tiếng nói chung, là tâm tư và khát vọng của cộng đồng, nhân loại (TA như là TÂT CẢ). Những tâm tư và khát vọng ấy không chỉ diễn ra trong từng khoảng khắc của thực tại mà đồng vọng mãi trong mọi không gian, thời gian (vô thủy, vô chung, hủy diệt và hồi sinh trong từng hơi thở). (1,0 điểm)

→ Ý kiến bàn về vai trò, sứ mệnh của nhà văn trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, nhấn mạnh và đề cao sự trải nghiệm cũng như tầm nhìn, tầm tư tưởng của nhà văn trong vấn đề phản ánh hiện thực đời sống con người (chân thực, sâu sắc, toàn diện và nhân văn); có giá trị định hướng cho người viết khi sáng tác và người đọc khi tiếp nhận, lĩnh hội những giá trị đích thực của những tác phẩm văn học. (0,5 điểm)

2. Chứng minh - Bàn luận

HS có thể trình bày nhiều cách, cơ bản là bàn luận được vấn đề và biết lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, phân tích sâu để làm rõ những khía cạnh sau:

  - Văn học phản ánh hiện thực thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Tác phẩm văn học trước hết là sự thể hiện thế giới tâm hồn người nghệ sĩ qua những trải nghiệm và chiêm nghiệm cuộc đời của chính anh ta. (TA như một thành phần) (3,0 điểm)

   - Nhà văn phải là người sống sâu với cuộc đời, tức là nhà văn phải thấu hiểu cả mọi ngõ ngách của cuộc đời, phải tận hiểu mọi cái biến thái từ vật chất đến con người, từ đồ vật đến động vật, từ tâm lí đến tình cảm... Nói chung nhà văn phải hòa nhập vào cuộc đời, phải thật sự nếm trải mọi buồn - vui, được - mất, diệt – sinh, hạnh phúc - khổ đau,... để thấu hiểu hết thảy mọi tâm tình, ẩn trắc, nỗi niềm, khát vọng của con người nói chung (TA như là TÂT CẢ). (3,0 điểm)

   - Cuộc sống con người vốn phong phú, phức tạp với muôn vàn sắc thái và dạng vẻ khác nhau, hoặc tách rời, hoặc đan xen lẫn nhau: Tốt- xấu, thiện-ác, yêu-ghét, buồn-vui, khổ đau-hạnh phúc.... Nhà văn phản ánh cuộc sống con người cũng phải thể hiện cái nhìn đa chiều, toàn diện với mục đích là hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mĩ, mang đến cho tác phẩm của mình giá trị nhân văn sâu sắc, trường tồn trong mọi không gian, thời gian. (2,0 điểm)

        (Học sinh phân tích các dẫn chứng cụ thể để chứng minh)

3.  Đánh giá mở rộng, nâng cao

    - Khẳng định ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Hữu Hiệu là đúng đắn, giúp ta hiểu rõ về đặc trưng, bản chất của văn học nghệ thuật và sứ mệnh của nhà văn trong quá trình sáng tạo. (1,0 điểm)

 - Bài học đối với người sáng tác và tiếp nhận: (1,0 điểm)

+ Đối với người nghệ sĩ: Muốn khẳng định giá trị tác phẩm của mình, phải có vốn sống và sự trải nghiệm phong phú, có cảm nhận tinh tế, sâu sắc về con người và cuộc sống, phải luôn có trách nhiệm với ngòi bút, trau dồi tài và tâm.

+ Đối với người tiếp nhận: Trau dồi vốn sống, sự hiểu biết về cuộc sống và thông qua những trải nghiệm cuộc sống của chính mình để cảm nhận, hiểu được chiều sâu tư tưởng của tác phẩm; trân trọng nhân cách và tài năng của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.

ĐỀ SỐ 7

Bàn về sự sáng tạo của người nghệ sĩ, có ý kiến cho rằng:

“Nghệ sĩ, hơn bất cứ hạng người nào, chính là kẻ mang trong mình thiên chức sáng tạo, liên tục sáng tạo. Điều đó cũng có nghĩa rằng, một cách tiên nghiệm, nghệ sĩ là kẻ phủ định, luôn luôn phủ định những cái đã có, của tha nhân và thậm chí của chính mình”.

Anh (chị) có suy nghĩ gì về ý kiến trên? Bằng trải nghiệm văn học hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

1/ Giải thích ý kiến.

 - “Thiên chức” là khả năng tự nhiên, là nhiệm vụ tất yếu. Yếu tố quan trọng làm nên tố chất của người nghệ sĩ là sáng tạo.

- “nghệ sĩ là kẻ phủ định, luôn luôn phủ định những cái đã có” nghĩa là đổi mới. Người nghệ sĩ không chỉ tạo ra những nét riêng so với người khác mà còn không nên lặp lại chính bản thân mình. Sáng tạo phải là yếu tố thường xuyên, liên tục xuyên suốt trong quá trình sáng tác nghệ thuật của người nghệ sĩ.

=> Câu nói khẳng định, đề cao vai trò của sáng tạo của người nghệ sĩ trong sáng tác nghệ thuật. Đây cũng là yêu cầu đặt ra với một nghệ sĩ chân chính.

2/ Bàn luận về ý kiến

- “Sáng tạo so với tha nhân”

+ Nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo.

+ Sáng tạo so với tha nhân để người nghệ sĩ tìm ra một lối đi riêng, tạo ra những nét riêng cho những sáng tạo nghệ thuật của mình, để chúng không nhòe lẫn đi trong những tên tuổi khác. Người nghệ sĩ sẽ làm nên phong cách cho bản thân mình.

+ Nghệ thuật không chấp nhận những con người chỉ có khả năng bắt chước, rập khuôn, sao chép.

+ Nghệ sĩ không thể tìm ra một điều gì mới mẻ, lập tức sáng tác của anh ta sẽ bị đào thải, ngược lại khi người nghệ sĩ có những khám phá, phát hiện có giá trị thực sự thì những sáng tạo ấy sẽ tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.

- “Sáng tạo so với chính mình”

+ Bản thân phong cách cũng luôn vận động và đổi mới. Người nghệ sĩ cần phủ định cả chính mình bởi liên tục, thường xuyên sáng tạo mới đảm bảo được sự tồn tại của nghệ thuật.

+ Nếu tác phẩm chỉ là sự lặp lại, nó sẽ đem đến cảm giác nhàm chán, đơn điệu và tẻ nhạt.

Chọn một tác giả và và phân tích các sáng tác của tác giả để làm sáng tỏ vấn đề

 - Yêu cầu thí sinh phải chọn được tác giả có có tài năng và cá tính sáng tạo như Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Tuân….

- Chọn và phân tích dẫn chứng chính xác, tinh tế để làm sáng tỏ những phương diện sau:

+ Người nghệ sĩ ấy trong những sáng tác của mình đã sáng tạo so với người khác.

+ Người nghệ sĩ liên tục sáng tạo so với chính mình. Mỗi sáng tác có những đặc điểm riêng gắn với những cảm xúc riêng trong từng tác phẩm.

(Thí sinh cần chỉ ra sự sáng tạo ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Sử dụng thao tác so sánh những tác phẩm cùng đề tài của các tác giả và  của chính tác giả đó để làm sáng tỏ vấn đề)

3/ Đánh giá, mở rộng

- Quan niệm đúng đắn, sâu sắc bởi nó xuất phát từ một yêu cầu nghiêm túc của văn chương đối với người nghệ sĩ:  Để sáng tạo người nghệ sĩ phải có ý thức trách nhiệm với ngòi bút. Có tâm hồn nhạy cảm tinh tế, khả năng quan sát, nghiền ngẫm phát hiện và lí giải đời sống. Công phu trong việc lựa chọn những phương tiện và hình thức biểu đạt.

- Đưa ra một tiêu chí để đánh giá tác phẩm văn chương và tầm vóc của người nghệ sĩ.

ĐỀ SỐ 8

          “Nhà văn nào đi tìm đề tài không phải vì yêu thương hay căm giận mà đi tìm theo mùi hương, hay đúng hơn là đánh hơi thì không thể trở thành người con của thời đại mình”.

(Dẫn theo Đaghextan của tôi, Raxun Gamzatop, NXB Cầu Vồng, 1984,  tr. 74)

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan điểm trên.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

1/ Giải thích        

- “Đề tài”: là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài đã bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của nhà văn.

- Yêu thương, căm giận: là cảm xúc, tình cảm chân thành của con người, là hứng thú và say mê thực sự đối với một vấn đề, một hiện tượng nào đó xảy ra trong cuộc đời. Nó đến từ những rung động chân thành, từ những trăn trở, suy tư nghiêm túc và nghiêm khắc của chính con người.

- “đi tìm theo mùi hương, hay đúng hơn là đánh hơi” là sự lựa chọn hay quan tâm theo quan điểm của số đông, theo trào lưu nhằm làm hài lòng người khác hay để thỏa mãn lợi ích cá nhân.          

Ý kiến khẳng định: Nhà văn chân chính phải là người sáng tác bằng tất cả sự rung cảm của trái tim, bằng sự thôi thúc từ bên trong tâm hồn mình trước một vấn đề nào đó đặt ra trong hiện thực. 

2/ Bàn luận

Văn học phải bắt nguồn từ đời sống

- Văn học là một hình thái ý thức xã hội đặc thù vì vậy, vai trò, chức năng cơ bản nhất, trước tiên nhất của văn học là phản ánh tồn tại xã hội hay nói cách khác là bám sát cái hiện thực đời sống đang diễn ra.

- Văn học là nhân học nên văn học phải hướng tới con người, vì con người.  

Văn học phải xuất phát từ những rung cảm của trái tim.

- Nhu cầu giải thoát và bộc lộ tình cảm chính là nhu cầu thôi thúc đầu tiên của quá trình sáng tạo nghệ thuật.

- Tác phẩm văn học ra đời là kết quả của một hoạt động tâm lí căng thẳng của người nghệ sĩ, trong đó có sự đan xen, hòa lẫn của rất nhiều trạng thái tâm lí, từ ấn tượng tới cảm xúc, từ vô thức tới ý thức, từ linh cảm tới tư duy logic, từ tư tưởng tới suy nghĩ.

- Mọi sáng tác chạy theo trào lưu, cảm xúc hời hợt, suy tư dễ dãi đều không thể tồn tại trước sự đào thải khắc nghiệt của thời gian cũng như độc giả.       

3/ Mở rộng

- Mọi cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng phải xuất phát từ tình yêu tha thiết dành cho cuộc sống và con người thì mới tạo nên sức hấp dẫn và sức sống cho tác phẩm đó.

- Cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật vừa mang dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ vừa mang hơi thở và xúc cảm của thời đại.

- Cảm xúc chân thành và mãnh liệt cần được biểu hiện thông qua một hình thức nghệ thuật mới mẻ, sáng tạo và mang đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ.    2,0

ĐỀ SỐ 9

    Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng:

          “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao và bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, hãy làm rõ quan niệm nghệ thuật của Mác-xen Pruxt.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

1/ Giải thích ý kiến

- Giải thích từ ngữ

  + “Cuộc thám hiểm thực sự”: Quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ và đầy bản lĩnh của nhà văn để sáng tạo nên tác phẩm đích thực.

  + “Vùng đất mới”: Hiện thực đời sống chưa được khám phá (đề tài mới).

  + “Đôi mắt mới”: Cái nhìn, cách cảm thụ con người và đời sống mới mẻ.

→ Hàm ý câu nói: Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, điều cốt yếu là nhà văn phải có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo, giàu tính phát hiện về con người và đời sống.

- Bàn luận

  + Để tạo nên tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhà văn phải có tài năng, tâm huyết, có bản lĩnh và phải biết lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ giống như “cuộc thám hiểm thực sự”. Nếu dấn thân vào “vùng đất mới” mà nhà văn không có cách nhìn, cách cảm thụ đời sống mới mẻ thì cũng không thể tạo nên tác phẩm nghệ thuật có giá trị đích thực.

  + Dù viết về đề tài đã cũ nhưng bằng cái nhìn độc đáo, giàu tính khám phá, phát hiện, nhà văn vẫn thấu suốt bản chất đời sống, mang lại cho tác phẩm giá trị tư tưởng sâu sắc.

  + Nếu nhà văn có “đôi mắt mới”, biết nhìn nhận con người và đời sống giàu tính khám phá, phát hiện lại tiếp cận với một “vùng đất mới”, thì sức sáng tạo của nhà văn và giá trị của tác phẩm càng độc đáo, càng cao. Vì thế, coi trọng vai trò quyết định của “đôi mắt mới” nhưng cũng không nên phủ nhận ý nghĩa của “vùng đất mới” trong thực tiễn sáng tác.

  + Để có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo nhà văn phải bám sát vào hiện thực đời sống; trau dồi tài năng, bản lĩnh (sự tinh tế, sắc sảo...); bồi dưỡng tâm hồn (tấm lòng, tình cảm đẹp với con người và cuộc đời...); xác lập một tư tưởng, quan điểm đúng đắn, tiến bộ.

           (Trong quá trình bàn luận có thể lấy dẫn chứng minh họa)

2/ Phân tích, chứng minh

 - Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao

+ Đề tài: Cuộc sống của người nông dân nghèo Việt Nam thời kì trước Cách mạng tháng Tám. Đây là đề tài quen thuộc, được nhiều nhà văn khai thác và đã xây dựng được những hình tượng điển hình như trong: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan),...

  + Cũng viết về cuộc sống của người nông dân thời kì trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất của người nông dân mà còn xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: Bi kịch bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền sống làm người lương thiện.

 + Nhà văn trân trọng phát hiện phẩm chất tốt đẹp của con người. Khẳng định bản chất lương thiện của con người không bao giờ mất đi cho dù họ có bị hủy hoại và tàn phá cả nhân hình lẫn nhân tính...

- Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

     Khác với các thi sĩ cùng thời, khi viết về đề tài người lính (anh bộ đội Cụ Hồ) thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng thể hiện một cách nhìn mới, một “đôi mắt mới”:

   + Nhà thơ không né tránh hiện thực mà nhìn thẳng vào cuộc chiến khốc liệt để làm nổi bật những hi sinh, mất mát.

   + Con đường Tây Tiến hiện ra vừa dữ dội, hùng vĩ vừa thơ mộng, mĩ lệ một thời.

   + Bức tượng đài người lính Tây Tiến (xuất thân từ tầng lớp trí thức Hà Nội) hào hoa, lãng mạn, đậm tinh thần bi tráng.

 3/ Đánh giá khái quát

      Nếu có “đôi mắt mới”, cách nhìn mới thì cho dù có viết về “vùng đất cũ” nhà văn vẫn tạo ra được những áng thơ, thiên truyện độc đáo, có giá trị, có phẩm chất và cốt cách văn học, có sức lay động lòng người, có khả năng sống mãi với thời gian.

ĐỀ SỐ 10

Nhà văn Bảo Ninh có lần chia sẻ:

Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết thế thái nhân tình đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người.

(Dẫn theo Bảo Ninh - Những truyện ngắn – NXB Trẻ)

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận, làm sáng tỏ vấn đề trên.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

1/ Giải thích

- “nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ" Khẳng định đặc thù của nghề cầm bút: không cho phép nhà văn sống hời hợt trước cuộc đời mà phải liên tục suy nghĩ, thường xuyên trăn trở về cuộc sống, về con người.

- “những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người” - Đó là những giá trị, ý nghĩa vừa bất biến (mang tính muôn thuở của nhân loại: quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc,…. ) vừa có sự đổi thay, vận động theo nhịp chuyển của đời sống con người.

= >Ý kiến để cập đến đặc trưng lao động nghệ thuật của nhà văn và trách nhiệm của người cầm bút.

 2/ Bình luận - Chứng minh

a, Cơ sở lí luận

- Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Hiện thực được phản ánh trong tác phẩm không phải chỉ là hiện thực được tái tạo mà đó là hiện thực được sáng tạo qua cách cảm, cách nghĩ cách suy niệm của nhà văn. Ở đó có những giá trị vừa mang tính bất biến vừa thể sự vận động, đổi thay không ngừng của đời sống con người.

- Nhà văn phản ánh cuộc sống không chỉ ở diện rộng mà còn ở chiều sâu, không chỉ thể hiện cách nhìn, cách cảm mà còn thể hiện cách nghĩ của tác giả về cuộc đời, con người, về quy luật của muôn đời...Vì lẽ đó, Bảo Ninh khẳng định: Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ

- Nhấn mạnh tính chất chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ của nghề văn, tác giả ngầm khẳng định sự khác biệt giữa văn chương so với với các lĩnh vực khoa học khác. Trong khi khoa học thiên về phát minh, sáng chế thì văn học thiên về suy nghĩ, nghiền ngẫm, lý giải...nhằm tìm ra cho con người (bản thân nhà văn và bạn đọc) những giá trị, những ý nghĩa vừa bất biển vửa đổi thay theo nhịp sống con người. Đây là sứ mệnh của văn chương chân chính.

-  Để có thể làm tròn thiên chức mang đến cho bản thân và cho người đọc những giả trị, những ý nghĩa vừa bất biển vừa đổi thay, nhà văn ngoài khả năng cần phải có trách nhiệm, nhiệt hứng nghĩa là ngoài tài năng thiên bẩm, cần có trí tuệ tỉnh táo, sáng suốt và sự đam mê, hứng thú với đối tượng phản ánh.

 b. Cơ sở thực tiễn

- Lịch sử văn học cho thấy, xưa nay những nhà văn neo đậu tên tuổi trong người đọc vẫn là những nhà văn đã gửi gắm vào tác phẩm của mình những trăn trở về những vấn đề muôn thuở của đời sống con người yêu thương, nhân ái, thiện - ác, chính - tà, bi kịch nhân sinh...)

- HS chọn, phân tích dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề

 Yêu cầu:

+ Chọn được tác phẩm tiêu biểu thể hiện những ngẫm nghĩ sâu sắc của nhà văn về những giá trị, ý nghĩa vừa bất biến vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người (ví dụ: vấn đề thân phận con người, giá trị tình người trong xã hội, vấn đề nhân phẩm, nhân cách của con người...)

 + Quá trình phân tích cần làm rõ vấn đề tác giả suy ngẫm và tác động của nó đến người đọc. 

3. Bàn luận, mở rộng

- Nhà văn: Cần lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, sáng tạo, đầy trách nhiệm luôn biết trăn trở với đời, với nghề...

- Bạn đọc: Đón nhận tác phẩm của nhà văn với thái độ trân trọng, thấu hiểu, tri âm, có ý thức nâng cao năng lực tiếp nhận để hiểu sâu sắc những thông điệp tác giả gửi gắm.

ĐỀ SỐ 11

Trong Nhân gian từ thoại, Vương Quốc Duy, nhà từ luận đời Thanh của Trung Quốc có đưa ra nhận định: “Nhà thơ, đối với vũ trụ nhân sinh, nên bước vào bên trong, mà lại nên đi ra bên ngoài. Bước vào bên trong mới có thể viết được. Đi ra bên ngoài mới có thể quan sát được. Bước vào bên trong mới có sinh khí. Đi ra bên ngoài mới đạt cao siêu.” (Lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, Khâu Chấn Thanh – Mai Xuân Hải dịch, NXB Văn học, 2001, tr 67)

                   Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn 12.   

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

1/Giải thích                                                                                                            

- Vũ trụ nhân sinh: hiện thực đời sống

-  bước vào bên trong: đi sâu vào, tìm tòi, khám phá, trải nghiệm để thẩm thấu, chiếm lĩnh hiện thực

- đi ra bên ngoài: tạo ra một độ lùi, một sự gián cách với đối tượng để khám phá hiện thực dưới nhiều góc độ và mang tính khái quát hơn.

 -> Ý kiến đề cập đến động thái của người nghệ sĩ với hiện thực đời sống trong quá trình sáng tạo. Người nghệ sĩ phải thâm nhập để thấu hiểu hiện thực, đồng thời cũng phải vượt lên hiện thực để chiêm nghiệm, từ đó mới tạo nên được sinh khí cho tác phẩm, đưa tác phẩm đạt đến ngưỡng cao siêu.

  2/ Bình luận

 - Văn học bao giờ cũng là sự nhận thức và phản ánh hiện thực. Hiện thực là nguồn gốc, là mảnh đất dồi dào, màu mỡ của nghệ thuật. Thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó.

- Nhà thơ muốn phản ánh hiện thực một cách sâu sắc thì phải bước vào, phải thâm nhập vào hiện thực trên cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đời sống bao giờ cũng phức tạp, đa chiều, luôn biến chuyển đòi hỏi  người nghệ sĩ cần phải trải nghiệm mới có đủ vốn sống, mới hiểu sâu để sáng tác.

- Tuy nhiên, không chỉ đắm mình trong thế giới hiện thực để khai thác chất liệu đời sống, người nghệ sĩ phải biết đi ra khỏi môi trường chất liệu ấy, dùng chính lí trí và xúc cảm để quan sát, soi ngắm một cách kĩ lưỡng, thấu suốt, để khám phá mọi ngóc ngách, mọi giá trị của hiện thực, đồng thời, khái quát hóa lên tầm triết lí, tầm tư tưởng để đạt đến ngưỡng cao siêu.

- Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ phản ánh, tái hiện cuộc sống, nêu lên những hiểu biết về thế giới, nhận thức thế giới mà còn bày tỏ thái độ chủ quan của mình, nói lên ước mơ, khát vọng của mình về thế giới, về cuộc sống.

- Văn chương nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Hiện thực cuộc sống không được bê nguyên xi vào tác phẩm mà được kiến tạo lại dưới một cái nhìn mới, một cách cảm mới của người nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Trong quá trình lao động nghệ thuật, nhà văn chân chính luôn có ý thức tạo ra cho mình một dấu ấn riêng. Bởi đó là đòi hỏi tất yếu của hoạt động sáng tạo…

3/ Làm sáng tỏ qua một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn 12                    

- Đúng giới hạn: Các tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn 12.

- Đảm bảo số lượng tác phẩm:  chọn được một số tác phẩm hay và đặc sắc

- Đúng, trúng, làm nổi bật được vấn đề,…

   4/ Ý nghĩa vấn đề đối với người sáng tác và người đọc.                                         

                                                               

Đặng Mẫn
Số lượt xem:77
Bài viết liên quan:
account_circle .:: THÔNG BÁO ::.
keyboard_arrow_rightThông báo về việc thay đổi địa chỉ website Trường THPT Trần Quốc Tuấn

Địa chỉ mới sẽ là: thpttranquoctuan.kontum.edu.vn

info TIN TỨC TỪ SỞ GDĐT

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN
Cơ quan chủ quản: Trường THPT Trần Quốc Tuấn
Người chịu trách nhiệm chính: ThS. Mai Xuân Kiên - Hiệu trưởng
  Số 269, đường 24-3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum            Điện thoại: 0260 2213279          Email: c3dakha.kontum@moet.edu.vn
Bản quyền thuộc về Trường THPT Trần Quốc Tuấn huyện Đăk Hà

 

2608 Tổng số người truy cập: 3 Số người online:
TNC Phát triển: