banner
Thứ 6, ngày 17 tháng 5 năm 2024
BÀI VĂN KHUYÊN BẠN TỪ BỎ THÓI QUEN NGHIỆN TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ (GAME)
6-1-2024

                                                     

          Trong chương trình Ngữ văn 10 có bài luyện viết về chủ đề: viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm. Theo tinh thần kết nối môn học Ngữ văn với đời sống thực tế của học sinh, nhận thấy có một bộ phận học sinh đang có những biểu hiện nghiện game, sa sút trong học tập, tổ Ngữ văn đã đưa vấn đề này vào đề kiểm tra cuối học kì. Đề kiểm tra không chỉ rèn luyện năng lực viết bài luận thuyết phục của học sinh mà còn tác động đến nhận thức tích cực của bản thân, truyền cảm hứng cho học sinh từ bỏ thói quen chưa hợp lí. Sau đây, tổ Ngữ văn giới thiệu một bài viết của bạn Đoàn Thị Thảo Trâm, lớp 10 A6. Trong 90 phút làm bài, Thảo Trâm đã viết được bài luận tốt cùng với phần trả lời đọc hiểu xuất sắc, tổng điểm đã được 9,5 điểm trong bài kiểm tra học kì môn Ngữ văn.

          Cô Phạm Thị Minh Hà (GV chấm bài) nhận xét: “Có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt, nhưng nhìn chung bài làm thể hiện tư duy về luận điểm rõ ràng, chặt chẽ như: biểu hiện – lí do từ bỏ - các thức từ bỏ - ý nghĩa của việc từ bỏ. Dẫn chứng thuyết phục, sử dụng yếu tố biểu cảm trong việc trình bày dẫn chứng. Rất đáng khen!”

          Thầy Vũ Ngọc Đức (GV dạy 10A6) thống nhất với điểm đánh giá của cô Phạm Thị Minh Hà, thầy chia sẻ thêm: “Thảo Trâm là học sinh rất bản lĩnh, chăm học, đam mê với bộ môn Ngữ văn. Em có tư duy logic, biện luận trong viết văn nghị luận rất tốt. Tuy vậy, đôi khi điều này khiến giọng văn hơi “khô cứng”. Tuy nhiên, bài viết này đã ghi nhận sự tiến bộ khi em đã hài hoà được lí trí và cảm xúc ở một mức độ nhất định”

BÀI VĂN

           Thế giới thay đổi và phát triển không ngừng, cùng với cùng với sự vận động và trỗi dậy mạnh mẽ của công nghệ thông tin, những sản phẩm trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Đối với giới trẻ, đặc biệt phải kể đến các ứng dụng game, hay còn gọi là trò chơi điện tử. Vốn dĩ sinh ra để phục vụ cho nhu cầu giải trí nhưng game đã vô tình trở thành một cơn nghiện phổ biến của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Chơi game không xấu nhưng nhiều bạn trẻ đã và đang đam mê nó và trở thành người nghiện game, ảnh hưởng rất nhiều tới học tập và cuộc sống . Đây là thói quen không tốt, cần phải từ bỏ.

           Đối với những bạn trẻ nghiện game có lẽ cuộc sống của họ chỉ xoay quanh bốn chữ: Trò chơi điện tử. Họ dành hầu hết thời gian rảnh để chơi game, nghiêm trọng hơn là dành cả ngày trên bàn máy tính chỉ để chơi game. Việc tiếp xúc với các thiết bị thông minh quá nhiều sẽ dẫn đến thị lực suy giảm. Họ sẽ bị cận, trông xanh xao ốm yếu. Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nó còn ảnh hưởng đến việc học tập của họ. Học hành sa sút, chểnh mảng, điểm số đi xuống không phanh. Trong cuộc sống hằng ngày, vì dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử mà họ không còn đủ thời gian cho bản thân, tham gia những hoạt động lành mạnh ngoài trời, dành thời gian ở bên gia đình hay tận hưởng những sở thích tích cực. Mắc vào nghiện game, học tập và cuộc sống của bạn trẻ ấy sẽ trở nên ‘nghèo nàn’ một cách trầm trọng, chất lượng cuộc sống hiện tại thì giảm sút.

           Việc nghiện trò chơi điện tử không chỉ tác động đến các bạn trẻ nghiện game trong thời gian ngắn mà còn ảnh hưởng về lâu dài. Học tập và cả sức khỏe đi xuống sẽ khiến bản thân họ chán nản hay mệt mỏi. Nghiện game lại rất khó bỏ. Chán nản và căng thẳng rồi lại tìm đến game, thú vui duy nhất bây giờ, để tiếp tục giảm stress, để quên đi hiện tại. Như vậy không chỉ khiến gia đình , thầy cô buồn lòng mà tương lai của bạn trẻ ấy như mịt mù hơn. Một xã hội với xu hướng nghiện game ngày càng phổ biến ở người trẻ thì khó thể nào phát triển và tiến bộ thêm được. Theo số liệu được thống kê gần đây từ của bệnh viện Trung Ương thì trong giới trẻ có đến khoảng 99,9% đang sử dụng mạng xã hội và ½ trong số đó đang chơi game như một hình thức giải trí. Rất hiếm khi thấy ai nghiện trò chơi điện tử mà có thể cân bằng nó với cuộc sống thực của mình! Trò chơi điện tử sẽ kích thích sự hiếu thắng, bạo lực bên trong con người, tạo nên sự thoải mái hay giải toả cảm xúc trong bạn, làm bạn quên đi những áp lực hay vấn đề cần phải đối diện ngoài thực tế. Nó khiến bạn chìm đắm trong đó và nếu  bạn không có khả năng tự chủ cao bạn sẽ sa ngã cùng game. Tôi đã chứng kiến em họ của mình từng là một học sinh chăm ngoan, giỏi thể thao nhưng chỉ vì một lời rủ rê từ bạn bè mà trở nên nghiện game và biến thành bộ dạng thảm hại như bây giờ: học hành sa sút, sức khoẻ suy kiệt, không có động lực học tập, chơi game cá độ, tiền bạc đổ hết vô game...Tôi cũng đã đau buồn và sợ hãi trước những thông tin thời sự về các vụ án khi thủ phạm là trẻ em vị thành niên nghiện game! Từ nghiện game bạo lực dẫn đến không kiểm soát hành vi, kích thích bản tính nóng nảy, ảo giác, gây án. Thực trạng đó thật đau lòng biết bao!

        Để từ bỏ sự nghiện game của nhiều bạn trẻ, cần sự chung tay của cả cộng đồng nhưng trước nhất là từ ý thức và suy nghĩ của người nghiện. Bản thân bạn cần phải tự nhận thức được rằng nghiện game là thói quen xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới hiện tại và tương lai của cuộc đời bạn. Chỉ khi bản thân bạn phải  có quyết tâm và bản lĩnh từ bỏ nó thì sự hỗ trợ của những người xung quanh giúp đỡ bạn mới có ý nghĩa. Đơn giản là bạn hãy quy định mỗi ngày giảm thời gian chơi game lại một chút cho tới mức có thể chấp nhận được. Dành thời gian cho bản thân, cho gia đình và các hoạt động bên ngoài, gắn liền với thiên nhiên nhiều hơn. Hãy trải nghiệm thêm những điều mới lạ mà bạn muốn, bởi cuộc đời này không chỉ có game. Rất nhiều điều lí thú đang chờ bạn khám phá! Hãy thử đọc sách, chơi một môn thể thao, học một loại nhạc cụ để kiểm soát được việc nghiện game. Thay vì chơi với các hội mê game, tại sao bạn không tham gia các hội – nhóm, các câu lạc bộ thể thao, đọc sách, văn nghệ để phát triển bản thân mình tích cực, lành mạnh hơn. Phía gia đình cũng cần quan tâm khuyên dạy, bảo ban và kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại, máy tính của con mình. Ba mẹ hãy dành thời gian rảnh để bên con, trải nghiệm cuộc sống với con nhiều hơn. Tôi thiết nghĩ, nhà nước - chính quyền cần phải có chính sách đánh thuế cao vào các loại trò chơi điện tử , kiểm soát và quy định giờ chơi tối đa tại các tiệm dịch vụ internet để giúp các bạn trẻ có thể chơi game một cách lành mạnh, phù hợp, không trở thành những con nghiện game.

            Nếu bản thân bạn có thể từ bỏ game và tập trung vào học tập, phát triển bản thân, bạn sẽ trở thành một con người tốt hơn, lành mạnh hơn. Từ đó bạn có thể lan tỏa năng lượng tích cực và cảm hứng để những bạn nghiện game thay đổi. Bạn sẽ được gia đình ủng hộ, bè bạn yêu quý, tin tưởng nhiều hơn. Bạn sẽ cảm nhận được thế giới này rộng lớn và thú vị hơn chiếc màn hình kia rất nhiều. Và cũng chính sự thay đổi ấy, bạn sẽ nhận ra giá trị của bản thân và cuộc sống này nhiều hơn.

           Tóm lại, nghiện các trò chơi điện tử là một thói quen không tốt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới học tập và cuộc sống. Nghiện trò chơi điện tử là bài toán nan giải, nhưng không phải  là không có cách giải quyết . Nếu bạn là một người nghiện game và bị game chi phối, hãy bắt đầu từ bỏ nó vì chính bản thân bạn, gia đình và những người xung quanh! Thói quen là một thứ khó thay đổi nhưng khó không đồng nghĩa với không thể. Nếu bạn thật sự quyết tâm bạn sẽ làm được! Hãy nói không với nghiện game, hướng cuộc sống của bản thân tới những điều lí thú và ý nghĩa hơn!

                                                                                                                                                                          (Đoàn Thị Thảo Trâm, lớp 10A6, năm học 2023-2024)                                                  

Biên tập: Ngọc Đức
Số lượt xem:923
Bài viết liên quan:
account_circle .:: THÔNG BÁO ::.
keyboard_arrow_rightThông báo về việc thay đổi địa chỉ website Trường THPT Trần Quốc Tuấn

Địa chỉ mới sẽ là: thpttranquoctuan.kontum.edu.vn

info TIN TỨC TỪ SỞ GDĐT

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN
Cơ quan chủ quản: Trường THPT Trần Quốc Tuấn
Người chịu trách nhiệm chính: ThS. Mai Xuân Kiên - Hiệu trưởng
  Số 269, đường 24-3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum            Điện thoại: 0260 2213279          Email: c3dakha.kontum@moet.edu.vn
Bản quyền thuộc về Trường THPT Trần Quốc Tuấn huyện Đăk Hà

 

2608 Tổng số người truy cập: 3 Số người online:
TNC Phát triển: