banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Bài văn mang thông điệp xoá bỏ kì thị
28-1-2024

    Mỗi chúng ta không ít lần được đặt vào tình huống phải thuyết phục người khác từ bỏ một quan niệm không phù hợp với góc nhìn nhân văn. Ví dụ: quan niệm trọng nam khinh nữ, quan niệm kì thị cộng đồng LGBT+, kì thị người khuyết tật, quan niệm coi thường người nghèo khổ...Dưới góc nhìn nhân văn, những đề tài trên sẽ là cơ hội để học sinh thể hiện năng lực nghị luận thuyết phục của bản thân; thể hiện phẩm chất yêu thương, đồng cảm qua mỗi trang viết. Với ý nghĩa ấy, tổ ngữ văn giới thiệu bài văn hay của học sinh được biên tập làm tư liệu giảng dạy và học tập trong chương trình Ngữ văn 10. Từng trang viết là sự hiểu biết về chuẩn mực ứng xử; tinh thần cảm thông, chia sẻ; nét lịch lãm, uyển chuyển trong cách diễn đạt....

ĐỀ BÀI

Có người cảm thấy ghê sợ với hình hài không được hoàn thiện của người khuyết tật; lại có người mang suy nghĩ rằng người khuyết tật là kẻ vô dụng, ăn bám và là gánh nặng cho xã hội. Đó là những quan niệm kì thị nặng nề, thiếu nhân văn.

Anh/chị hãy viết một bài văn thuyết phục những người trên từ bỏ quan niệm kì thị người khuyết tật

Bài làm 

     Ngày nay, xã hội hiện đại đang phát triển một cách nhanh chóng. Nhận thức của con người không ngừng vận động và phát triển. Bên cạnh những mặt tích cực của sự phát triển là những vấn đề khiến chúng ta trăn trở. Đó là tư tưởng kì thị, tách biệt, phân chia ranh giới giữa người với người, đi ngược lại với sự đa dạng và hoà đồng của tạo hoá. Có người không được hình hài hoàn thiện như số đông, vì bẩm sinh, vì tai nạn. Họ rất cần được cảm thông và chia sẻ. Ấy vậy mà, trong xã hội hiện nay, đâu đó, những người khuyết tật vẫn bị kì thị nặng nề. Đây quả thực là một quan niệm thiếu nhân văn. Chúng ta cần phải loại bỏ quan niệm kì thị người khuyết tật.

     Trước hết, ta có thể hiểu kì thị ở đây chính là hành động xa lánh, miệt thị, ghê sợ với những người có hình hài không được hoàn thiện. Có người cảm thấy ghê sợ với hình hài không được hoàn thiện của người khuyết tật, không muốn tiếp xúc, xa lánh. Có người còn phê phán, cười cợt, phỉ báng, dùng những từ ngữ nặng nề để xúc phạm người bị khuyết tật như: "vô dụng" , "ăn hại", "gánh nặng của xã hội". Không những vậy, có những người còn có suy nghĩ mê tín tâm linh. Họ tuyên truyền rằng những người bị khuyết tật là do kiếp trước họ đã làm việc ác nên kiếp này họ phải chịu hình phạt như vậy. Khuyết tật có thể do bẩm sinh, có thể do tai nạn, còn có do kiếp trước hay không thì liệu ai có thể chứng minh được?. Xác xuất rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống này không chừa một ai. Chúng ta chỉ có thể xoa dịu và chuyển hoá nỗi đau bằng yêu thương, cảm thông với hành động thực tế, chứ không phải bằng quan niệm kì thị mang tính lạc hậu, mê tín. Nặng nề hơn, có người mang tư tưởng kì thị đã và đang dùng tới hành động bạo lực, lợi dụng người khuyết tật. Những người khuyết tật có nhu cầu việc làm vô tình nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng để trở thành nạn nhân của các đường dây trục lợi người khuyết tật. Không khó tìm kiếm những thông tin về những nhóm người xấu lợi dụng người khuyết tật để bán hàng, hoặc ăn xin để thu tiền trục lợi..  Chúng ta đều là những con người với nhau, đã không thể yêu thương nhau còn hành xử với nhau một cách nhẫn tâm như vậy?  

     Khổng Tử đã từng nói: “Điều gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác”. Bạn có muốn bị kì thị không? Nếu bạn không muốn bị kì thị thì đừng đi kì thị người khác. Dù ngoại hình có khuyết tật hay dị dạng đến đâu, họ cũng là con người, cũng có dòng máu đỏ, cũng có trái tim biết thổn thức. Bạn có biết, lời lẽ và hành động nhạo báng, kì thị có thể khiến trái tim đau đớn, như vỡ ra thành thăm mảnh. Những người bị khuyết tật, họ sẽ phải chịu sự đau đớn, sự tổn thương tến tận xương tuỷ khi bị kì thị. Dẫu cho vết thương ấy có lành đi, cũng chẳng thể xoa dịu được những nỗi đau, sư tủi nhục bị kì thị. Họ mãi bị những người kì thị đẩy xuống vực thẳm của đau buồn, tự ti, thậm chí là bi quan, tuyệt vọng. Ta hãy thử suy nghĩ xem, một ngày nào đó ta chính là một trong số những nạn nhân bị kì thị, cảm giác của chúng ta sẽ ra sao? Những người khuyết tật, họ đã đau khổ lắm rồi! Nếu không thể xoa dịu nỗi khổ đau thì cũng đừng đi kì thị.

      Hãy nhớ rằng, xác xuất rủi ro trong cuộc sống này không chừa một ai, trong đó có cả tôi và bạn. Vậy đừng tự mãn với sự hoàn hảo bình thường của ngoại hình mà đi kì thị những người kém may mắn. Với tư tưởng kì thị, bạn có biết rằng, tuy bạn có ngoại hình hoàn hảo, nhưng bạn chính là người đang khuyết tật về tâm hồn! Bản chất của cuộc sống này chính là sự yêu thương, sẻ chia, cảm thông với những người khác chứ không phải sự ruồng bỏ, né tránh và xua đuổi. Đừng để tâm hồn mình bị khuyết tật bởi tư tưởng kì thị!

       Không chỉ dừng lại ở những tổn thương cá nhân, khi bị kì thị, những người khuyết tật sẽ bị bỏ lại phía sau, tách biệt khỏi xã hội, dẫn đến vấn đề bị thất nghiệp, không có việc làm khiến họ lại bị xoáy vào vòng xoáy của sự chán nản, buông xuôi, mất đi động lực cố gắng. Bản thân người khuyết tật cũng cần có sức mạnh nội tại để tin tưởng vào chính mình. Người khuyết tật không phải là vô dụng. Bản chất của một con người không có ai  là vô dụng, bất tài cả, ai cũng sẽ đem đến cho cho xã hội những giá trị riêng. Điển hình như giáo sư vật lý Stephen Hawking, dẫu cho ông bị liệt gần như hoàn toàn với căn bệnh quái nhác, nhưng ông vẫn là một người với bộ óc vĩ đại của nhân loại, vượt qua cơn đau về thể xác để thoàn thành luật án về Vũ trụ mà ông từng theo đuổi. Hay như nhà văn Hellen Keller cũng đã tạo ra được giá trị cho bản thân mình, tốt nghiệp trường Cao đẳng dù bị câm điếc... Người khuyết tật  có thể làm việc, sáng tạo, đóng góp những giá trị tuyệt vời cho xã hội, truyền cảm hững về nghị lực, bản lĩnh sống đến tất cả mọi người

      Như vậy, ta cần phải làm gì để xóa bỏ đi những vấn đề là thị người khuyết tật? Xoá bỏ quan niệm kì thị thật ra rất rất đản giản! Chúng ta cần mở rộng tấm lòng, mở rộng con tim để thấu hiểu, cảm thông cho người bị khuyết tật. Ông cha ta đã dạy “Thương người như thể thương thân”. Cảm nhận nỗi đau của người bằng chính con tim mình. Khi tình thương, sự thấu hiểu, cảm thông tràn ngập trái tim, tư tưởng kì thị sẽ không còn. Để mở rộng yêu thương, chúng ta cũng cần tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ người khuyết tật như: tuyên truyền vận động xoá bỏ quan niệm kì thị, ủng hộ sản phẩm thủ công của người khuyết tật, thăm những cơ sở chăm sóc người khuyết tật... Pháp luật Việt Nam đã quy định rằng những người khuyết tật đều có quyền bình đẳng như những người bình thường khác. Đó là cơ sở pháp lí để người khuyết tật được hoà nhập, được các doanh nghiệp tạo điều kiện làm việc và hoà nhập. Người khuyết tật cần được đối xử như những người bình thường. Nhà trường cần đẩy mạnh công tác giáo dục cho học sinh, dạy thế hệ trẻ biết yêu và đồng cảm, đồng cảm với hình hài, vẻ đẹp riêng biệt của người khuyết tật, tránh xa những tư tưởng kì thị. Có như vậy, nỗi đau của người khuyết tật sẽ được cả cộng đồng xoa dịu.

      Mặt khác, để xoa dịu nỗi đau, xoá bỏ tư tưởng kì thị ở nhiều người, bản thân người khuyết tật cũng phải có suy nghĩ và lối sống tích cực, tin vào giá trị của bạn thân mình để lạc quan, nỗ lực hơn trong cuộc sống, truyền cảm hứng về nghị lực, lan toả những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

      Chúng ta sẽ nhận được nhiều giá trị tốt đẹp khi trái tim ta biết yêu thương, biết thấu cảm. Không một ai mong muốn mình trở thành tách biệt và cô đơn nên khi được san sẻ, cảm thông, chắc chắn họ sẽ hạnh phúc và vui sướng vô cùng. Bạn xoá bỏ được tư tưởng kì thị, bạn sẽ kết nối được trái tim đến nhiều người. Bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng, tươi đẹp hơn rất nhiều. Mọi người xung quanh bạn chắc chắn cũng sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng yêu thương đó. Chúng ta sẽ có một cái nhìn đầy ấm áp, cảm thông, yêu thương với tất cả khiếm khuyết ngoại hình của con người.

                                    Có gì đẹp trên đời hơn thế

                                    Người yêu người sống để yêu nhau

                                                                                    (Tố Hữu)

     Khi cuộc sống giá lạnh thì những trái tim hãy sưởi ẩm cho nhau! Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng yêu và đồng cảm nhiều hơn. Đừng bao giờ chê bai, sỉ nhục, hay ghệ sợ bất kì hình hài của ai. Họ cũng là con người, họ có vẻ đẹp riêng biệt, có sức mạnh nội tại. Chúng ta hãy cùng nhau trở thành những bông hoa tươi đẹp, rực rỡ nhất để tạo nên một thế giới ngập tràn hương sắc và sự tươi sáng. Hãy xoá bỏ đi quan nệm kì thị người khuyết tật! Khuyết tật ngoại hình không đáng sợ, đáng sợ nhất là khuyết tật về tâm hồn bởi tư tưởng kì thị nặng nề, thiếu nhân văn. Tôi tin chắc rằng cả tôi và các bạn đều sẽ trở thành những con người có văn minh, không bị khuyết tật tâm hồn, trở thành những con người có tình thương để lan toả những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

                                                                                                                                                  (Bài viết của Trần Thị Phương Thảo, lớp 10 A6, năm học 2023-2024)

           Cô Lê Thị Kim Phụng đánh giá bài viết của Trần Thị Phương Thảo với số điểm 9,5 điểm. Cô nhận xét: “Nét độc đáo nổi trội của bài viết là khả năng vận dụng yếu tố biểu cảm nhuần nhuyễn trong bài nghị luận, khiến bài nghị luận rất thuyết phục, không chỉ tác động mạnh mẽ tới lí trí mà còn có khả năng chạm vào trái tim người đọc”.

           Thầy Vũ Ngọc Đức, giáo viên dạy lớp 10 A6 chia sẻ thêm: Trong quá trình dạy học, học sinh 10A6 có học bằng hình thức giao lưu sổ tay tích luỹ Ngữ văn cá nhân. Nhiều câu nói hay của Khổng Tử, câu thơ của Tố Hữu, nhiều dẫn chứng về tấm gương nghị lực được các em sưu tầm trong sổ tay của mình, nay đã được Phương Thảo vận dụng hiệu quả trong bài viết này. Đó là một điều đáng khen!

           Bên cạnh bài viết điển hình của bạn Trần Thị Phương Thảo, nhiều bài viết tốt khác cũng hoà cùng tiếng nói nêu cao thông điệp xoá bỏ  tư tưởng kì thị với những đối tượng yếu thế, chịu nhiều tổn thương trong xã hội. Những bài văn hay hay thực sự trở thành một diễn đàn nghị luận để nêu cao giá trị sống tích cực. Sau đây, tổ Ngữ văn sẽ trích dẫn bài viết của bạn Nguyễn Thị Trâm Anh, lớp 10 A7 (cô Lê Thị Phi Yến dạy Ngữ văn). Bài viết của Trâm Anh đánh giá cao về tư duy lập ý, bao quát và đáp ứng tốt yêu cầu của kiểu bài, thể hiện rõ quan điểm của bản thân.

            “Bản thân tôi khi viết bài này, tôi ý thức rằng sẽ không bao giờ dùng những ngôn từ miệt thị những người có ngoại hình không hoàn hảo.Tôi mong mọi người cũng vậy! Người khuyết tật họ cũng mong muốn được sống hạnh phúc, được đối xử bình đẳng, được tôn trọng như bao người. Đã sinh ra trên đời, ai cũng có giá trị riêng của bản thân, cho dù họ là người khuyết tật. Kì thị, phân biệt chỉ tạo ra những nỗi đau ngăn cách, chỉ tạo ra sự bất bình đẳng, đi ngược lại với giá trị nhân văn, văn minh mà xã hội đang hướng tới.

            Mỗi người ai cũng đều có phẩm chất và ngoại hình riêng của bản thân. Mỗi người đều có điểm yếu và điểm mạnh riêng. Đừng vì tư tưởng kì thị mà chê bai, khinh thường người khuyết tật. Hãy nhìn nhận họ một cách cảm thông, chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương đến người là số phận không may mắn

                                                                                                                        (Trích bài viết của Nguyễn Thị Trâm Anh, lớp 10A7, năm học 2023-2024)

Hình ảnh 2 tác giả của hai bài làm văn xuất sắc

Em Trần Thị Phương Thảo, lớp 10 A6, năm học 2023-2024

 

Em Nguyễn Thị Trâm Anh, lớp 10A7, năm học 2023-2024

                                                                                                                                                                                    

Biên tập: Phi Yến - Ngọc Đức
Số lượt xem:406
Bài viết liên quan:
account_circle .:: THÔNG BÁO ::.
keyboard_arrow_rightThông báo về việc thay đổi địa chỉ website Trường THPT Trần Quốc Tuấn

Địa chỉ mới sẽ là: thpttranquoctuan.kontum.edu.vn

info TIN TỨC TỪ SỞ GDĐT

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN
Cơ quan chủ quản: Trường THPT Trần Quốc Tuấn
Người chịu trách nhiệm chính: ThS. Mai Xuân Kiên - Hiệu trưởng
  Số 269, đường 24-3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum            Điện thoại: 0260 2213279          Email: c3dakha.kontum@moet.edu.vn
Bản quyền thuộc về Trường THPT Trần Quốc Tuấn huyện Đăk Hà

 

2608 Tổng số người truy cập: 8 Số người online:
TNC Phát triển: