banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
HỌC SINH TẬP VIẾT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU – GHI NHẬN TỪ VIỆC TRIỂN KHAI DẠY HỌC DỰ ÁN CỦA TỔ NGỮ VĂN
16-1-2024

      Trong chương trình Ngữ văn 10 có bài học và chuyên đề học tập Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian. Đây là nội dung dạy học mới, mang ý nghĩa tích hợp nhiều năng lực bộ môn để tạo ra sản phẩm nghiên cứu. Thông qua chuyên đề này, học sinh đã bước đầu trải nghiệm công việc của một người nghiên cứu; bước đầu tập viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề, mạnh dạn thể hiện góc nhìn đa chiều, độc đáo, sáng tạo của bản thân về một vấn đề nghiên cứu. Tổ Ngữ văn đã triển khai hình thức dạy học dự án để thực hiện chuyên đề này cho khối 10. Ở mỗi lớp, các em học sinh sẽ được phân chia thành các nhóm nghiên cứu để tập nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian hoặc văn hoá truyền thống của Việt Nam nói chung, địa phương nói riêng. Ghi nhận về hình thức dạy học dự án chuyên đề này ở lớp 10 A6, thầy Vũ Ngọc Đức, tổ trưởng tổ Ngữ văn nhận thấy học sinh có nhiều tiềm năng sáng tạo độc đáo trong cách  lựa chọn đề tài, khai thác nguồn học liệu, đề xuất quan điểm – cách nhìn nhận riêng của bản thân. Các bài báo cáo nghiên cứu đều được trình bày theo các luận điểm rõ ràng. Đặc biệt, thông qua dạy học dự án, các em được thực hành bài học nói – nghe trong các tiết trình bày kết quả nghiên cứu. Nhiều đề tài được tập thể đánh giá cao, có tiềm năng phát triển như: Tìm hiểu bản sắc văn hoá của Kon Trang Long Loi; Hình tượng Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám – từ góc nhìn đa chiều; Hình tượng nhân vật mồ côi trong truyện cổ tích Việt Nam...Sau đây, tổ Ngữ văn giới thiệu dự án và báo cáo nghiên cứu tiêu biểu của lớp 10A6 do nhóm học sinh: Đoàn Thị Thảo Trâm (nhóm trưởng), Bùi Nguyễn Phương Loan, Nguyễn Thị Yến Nhi, Bùi Thị Thanh Huyền, Thái Thị Diễm Quỳnh thực hiện.

BÁO CÁO NGHIÊN CỨU

DẤU ẤN VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM TRONG VĂN HOÁ ĐƯƠNG ĐẠI – DƯỚI GÓC NHÌN THỊ HIẾU CỦA THẾ HỆ GEN Z

1. Đặt vấn đề

     Trong thời đại công nghệ thông tin, trước sự lên ngôi của mạng xã hội, văn hóa nghe - nhìn và những hình thức giải trí cuốn hút, liệu những người trẻ - thế hệ gen Z có đang dần lãng quên đi văn học dân gian? Liệu giá trị của văn học dân gian có còn được trân trọng và tái tạo hay không?

    Một số người cho rằng giới trẻ hiện nay suốt ngày làm bạn với điện thoại, thờ ơ và lãng quên đi những giá trị của văn học dân gian. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng người trẻ không hề quên văn chương. Người trẻ chỉ tiếp cận văn chương theo một cách khác, hoà nhập vào dòng chảy của văn hoá đương đại, theo góc nhìn của thế hệ Gen Z. Trong thời đại công nghệ thông tin, giới trẻ không ngừng tìm tòi, học hỏi từ những các tác phẩm văn học dân gian và tìm lại những giá trị mà văn chương truyền thống đem lại. Thông qua văn hoá nghe – nhìn đương đại với phim điện ảnh, MV âm nhạc hay là các tác phẩm mĩ thuật, càng giúp cho văn học dân gian trở nên thú vị và phổ biến hơn đối với giới trẻ, đáp ứng thị hiếu của thế hệ trẻ.

2. Nội dung

2.1. Dấu ấn của văn học dân gian trong điện ảnh đương đại

    Là một ngành có giá trị nghệ thuật lẫn giá trị kinh tế, điện ảnh từ lâu đã  trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần hằng ngày. Với chất liệu dân gian cùng nguồn cảm hứng từ các tác phẩm văn học, nhiều đạo diễn trẻ đã thể hiện những góc nhìn mới và độc đáo về hình tượng nhân vật trong truyện dân gian

    Điển hình là bộ web drama “Tâm Sắc Tấm” của đạo diễn Neko Lê. Bộ phim này đã tái hiện lại câu chuyện cổ tích dân gian của Tấm và mẹ kế độc ác trong một bối cảnh hiện đại hơn, gần gũi hơn. Thu về hơn 11 triệu lượt xem sau 3 năm phát hành, “Tấm Sắc Tâm” đã chính minh sức thu hút của các tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng dựa trên tác phẩm văn học dân gian.

     Một bộ phim cũng dựa trên cốt truyện “Tấm Cám” của đạo diễn Lý Minh Thắng do diễn viên Huỳnh Lập đảm nhận vai chính - mẹ Cám có tựa đề “Tấm Cám - chuyện Huỳnh Lập kể” cũng đã thu về hơn 16 triệu lượt xem. Bộ phim thực sự kể những "chuyện chưa từng kể" trong câu chuyện cổ tích năm nào. Nội dung phim được biên kịch khai thác dưới góc nhìn mới của một nhân vật phản diện. Bộ phim tạo sức hút với khán giả không chỉ nhờ tình tiết hài hước, dàn diễn viên diễn xuất tốt mà còn ở sự sáng tạo dựa trên chất liệu dân gian. Đây cũng thể hiện cho một thế hệ năng động với sự sáng tạo, những nét riêng ấn tượng

     Thông qua 2 bộ web drama, chúng ta có thể thấy rằng văn học dân gian vẫn có sức hút đối với Gen Z. Dù sống trong thời đại công nghệ số, nhưng thế hệ Gen Z vẫn có lòng yêu thích và quan tâm đến những câu chuyện dân gian mang giá trị văn hóa, truyền thống và nghệ thuật. Đây cũng được coi là một trong những cách thức mang nhiều màu sắc và âm hưởng dân gian đến với giới trẻ. Điều này cho thấy rằng văn học dân gian vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải những giá trị tinh thần và nhân văn cho thế hệ trẻ.

2.2. Dấu ấn của văn học dân gian trong âm nhạc đương đại

    Âm nhạc không chỉ để giải trí mà âm nhạc còn là để nuôi dưỡng tâm hồn, để cảm nhận được giá trị của nghệ thuật, của cái đẹp bằng giai điệu. Văn hoá dân gian đã nhẹ nhàng đi vào điệu hồn của các bạn trẻ thông qua những giai điệu, ca từ của những bài hát mang tinh thần sáng tạo ấn tượng từ chất liệu văn học dân gian

      Ca khúc Thị Mầu do nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong sáng tác và "nhào nặn" bởi nhà sản xuất âm nhạc Masew. Bài hát mang âm hưởng chèo kết hợp với nhạc điện tử. Phần lời của cũng được xây dựng dựa trên ngôn ngữ chèo, vui vẻ và dí dỏm, như lời tự sự của chính Thị Mầu: "Tự xưng em là Thị Mầu. Ý là con gái phú ông. Tuổi em chứ còn bé lắm. Cũng chưa đến trăng rằm". Dù mượn hình tượng nhân vật Thị Mầu để kể chuyện nhưng ca sĩ Hòa Minzy đã có những phá cách để tạo ra thông điệp phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại. MV miêu tả một Thị Mầu nhí nhảnh, hết mình theo đuổi tình yêu, hạnh phúc, cá tính và dám vượt qua những khuôn khổ, quy chuẩn sáo rỗng mà người đời đặt ra. Mặt khác, MV Thị Mầu cũng đã khắc họa cảm xúc câu chuyện về một nghệ sĩ trẻ đang nỗ lực học hỏi và thấu hiểu tinh hoa nghệ thuật truyền thống mà ông cha đã để lại.

      Ca sĩ Hòa Minzy khẳng định cô không muốn kể lại chuyện Thị Mầu - Thị Kính y hệt như trong tác phẩm văn học. Ngược lại, MV của cô thể hiện một góc nhìn mới về nhân vật Thị Mầu. Nữ ca sĩ mong muốn thông qua tạo hình, trang phục, lời ca, MV mới của mình sẽ tạo được hứng thú cho khán giả tìm hiểu về chuyện Thị Mầu, Thị Kính và nghệ thuật chèo Việt Nam, nhất là các khán giả trẻ.

      Cũng như một ca sĩ trẻ khác – ca sĩ Phương Mỹ Chi đã chia sẻ rằng,  cô rất yêu thích các tác phẩm văn học, và mong đời sống của chúng không chỉ gói gọn trong sách vở, mà cần được kế thừa, phát huy. Dưới góc nhìn của thế hệ trẻ, nữ ca sĩ mong muốn đưa chúng vào âm nhạc, mang những chiếc áo mới. Và điều đó cùng được thể hiện rõ ở các tác phẩm của  Hoàng Thuỳ Linh cũng có những bài hát mang đậm màu sắc văn học dân gian như: Gieo quẻ, Kẻ cặp gặp bà già ,…đáp ứng thị hiếu của giới trẻ.

     Các ca khúc được mượn ý tưởng từ văn học dân gian: Thị Mầu - Hoà Minzy, Kẻ cắp gặp bà già - Hoàng Thuỳ Linh, Vũ trụ có anh - Phương Mỹ Chi, Bống bống bang bang - Ban nhạc 365, Rap Bắc Kim Thang - Ricky Star, Nổi trống lên các bạn ơi , Gieo Quẻ,... Như một lời khẳng định của thế hệ genZ về cội nguồn và cảm hứng sáng tạo từ văn học dân gian. Trong ý nghĩa ấy, âm nhạc như một nhịp cầu kết nối vẻ đẹp truyền thống với tinh thần hiện đại.

      2.3. Dấu ấn của văn học dân gian trong đồ hoạ - truyện tranh

     Gen Z đã thể hiện các tác phẩm văn học dân gian đầy công phu và ấn tượng dưới góc nhìn của thế hệ mới của thời đại 4.0. Bên cạnh các sản phẩm nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ - đồ hoạ đương đại cũng đáp ứng thị hiếu của giới trẻ qua hình thức truyện tranh. Tập hợp từ nhiều điển tích dân gian Việt Nam khác nhau, lấy cảm hứng từ kho tàng truyện cười dân gian, thương hiệu truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” với cậu bé Trạng Tí kháu khỉnh, thông tuệ hơn người từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của các bạn trẻ yêu thích truyện tranh. Qua đó, chúng ta thấy được văn học dân gian được tái hiện lại bằng cách mới mẻ, đáp ứng thị hiếu của Gen Z sẽ luôn được các bạn đón nhận, đam mê với những giá trị văn hoá truyền thống của dân gian qua hình thức hội hoạ và đồ hoạ của thời đại công nghệ thông tin.

Ảnh: Một trang minh hoạ truyện tranh Thần đồng đất Việt (Nguồn: http://thandong-datviet.blogspot.com)

            2.4. Cái nhìn tổng quan về thị hiếu của thế hệ Gen Z với văn học dân gian

            Vẻ đẹp của văn hoá truyền thống, cũng như văn học dân gian là nghệ thuật, mang âm hưởng của thời gian, của lịch sử. Văn học dân gian muốn khẳng định sức sống trường tồn cần hoà nhập và tích hợp với dòng chảy của văn hoá đương đại để luôn mang trong mình một sức mạnh cảm xúc – tư tưởng có thể lay động cả hàng ngàn trái tim của thế hệ trẻ ngày nay. Hoà hợp và sáng tạo trong dòng chảy văn hoá đương đại, văn học dân gian đáp ứng được thị hiếu thưởng thức của thế hệ trẻ. Giới trẻ không hề quay lưng lại với giá trị văn hoá của văn học dân gian. Vấn đề là cách thức thể hiện giá trị phải mang tính sáng tạo, phải phù hợp với hơi thở đương đại. Bên cạnh đó, công tác giáo dục trong nhà trường cũng cần được chú trọng để nâng cao thị hiếu thưởng thức nghệ thuật cho giới trẻ. Không hiếm những bạn trẻ có thể sẵn sàng bỏ ra 3 tiếng đồng hồ để xem một vở chèo, một vở tuồng; bỏ ra hàng tuần để tham gia vào một dự án nghiên cứu nghệ thuật dân gian, nghiền ngẫm những cuốn truyện tranh, truyện chữ từ bé tới giờ và cất giữ nó như báu vật.

      Trong thời đại mà Gen Z là đối tượng khán giả được hướng tới và đóng vai trò chính trong xu hướng của thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo thì không thể phủ nhận: nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ văn học dân gian hơn đồng nghĩa với việc sự quan tâm và chú ý của gen Z dành cho văn học dân gian là không hề nhỏ. Ta thấy được việc giới trẻ yêu thích và đón nhận những tác phẩm ấy bằng những con số biết nói, bằng sự ảnh hưởng của các sản phẩm truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xu hướng lành mạnh cùng các giá trị truyền thống đang được lan tỏa và đón nhận một cách tích cực. Thái độ của giới trẻ hiện nay đối với văn học dân gian nói riêng và văn hoá truyền thống nói chung đã phần nào tạo ra một “thời kỳ” mới của các giá trị lâu đời - một cách thức đặc biệt, mới mẻ và độc đáo hơn rất nhiều.

  1. Kết luận

      Văn học dân gian là một phần quan trọng của văn hóa dân tộc, mang trong mình những giá trị văn hóa và tinh thần đặc trưng của một dân tộc. Trong thời đại công nghệ số và sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, văn học dân gian vẫn tồn tại, hoà nhập trong dòng chảy của văn hoá đại chúng, giữ được sức hút riêng đối với thế hệ Gen Z.

         Thế hệ Gen Z không những tận dụng công nghệ để lan tỏa ý tưởng mà họ còn sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông, những tác phẩm nghệ thuật đại chúng mang dấu ấn của văn học dân gian. Và cũng chính thế hệ Gen Z sẽ lan toả những giá trị truyền thống tích cực ấy thông qua quá trình thưởng thức, lan toả, truyền bá đa chiều trong thời đại công nghệ thông tin. Giá trị của văn học dân gian không chỉ tới từ việc chúng ta biết nhiều tác phẩm mà nó tới từ việc ta hiểu nó như thế nào và cách mà ta truyền thông và sáng tạo trong dòng chảy văn hoá đương đại hôm nay.

                                                                                                                                                                                                                                    

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://baolaocai.vn/tu-van-hoc-den-dien-anh-khong-gian-nao-cho-su-sang-tao-p
  2. https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/am-nhac-nuoi-duong-van-hoa-dan-gia
  3. https://thanhnien.vn/nhac-viet-tiep-tuc-tim-den-kho-tang-van-hoc-van-hoa-dan-gian
  4. https://kenh14.vn/5-phim-viet-lay-cam-hung-tu-truyen-ke-dan-gian-bac-kim-thang-truoc-khi-gay-sot-o-rap-viet-da-co-phim-dien-anh-nha
  5. https://nld.com.vn/van-nghe/dua-hinh-tuong-van-hoc-vao-am-nhac

                                                                                                                                                                                Sản phẩm Nhóm 4 lớp 10A6, năm học 2023- 2024

 

Nhóm tác giả bài Báo cáo nghiên cứu (lớp 10A6 - năm học 2023-2024)

TÊN

NHIỆM VỤ

HOÀN THÀNH

ĐOÀN THỊ THẢO TRÂM

QUẢN LÍ CHUNG, TỔNG HỢP, CHỈNH SỬA VÀ  THIẾT KẾ POWERPOINT

TỐT

BÙI NGUYỄN PHƯƠNG LOAN

VIẾT LUẬN ĐIỂM 3 VÀ 4

TỐT

NGUYỄN THỊ YẾN NHI

VIẾT LUẬN ĐIỂM 1 VÀ SƯU TẦM ẢNH MINH HOẠ

TỐT

BÙI THANH HUYỀN

VIẾT PHẦN ‘ĐẶT VẤN ĐỀ’ VÀ KẾT LUẬN

TỐT

THÁI THỊ DIỄM QUỲNH

VIẾT LUẬN ĐIỂM 2 VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO

TỐT

 

Biên tập: Ngọc Đức
Số lượt xem:333
Bài viết liên quan:
account_circle .:: THÔNG BÁO ::.
keyboard_arrow_rightThông báo về việc thay đổi địa chỉ website Trường THPT Trần Quốc Tuấn

Địa chỉ mới sẽ là: thpttranquoctuan.kontum.edu.vn

info TIN TỨC TỪ SỞ GDĐT

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN
Cơ quan chủ quản: Trường THPT Trần Quốc Tuấn
Người chịu trách nhiệm chính: ThS. Mai Xuân Kiên - Hiệu trưởng
  Số 269, đường 24-3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum            Điện thoại: 0260 2213279          Email: c3dakha.kontum@moet.edu.vn
Bản quyền thuộc về Trường THPT Trần Quốc Tuấn huyện Đăk Hà

 

2608 Tổng số người truy cập: 17 Số người online:
TNC Phát triển: